Khi giá năng lượng tiếp tục tăng cao trên khắp châu Âu, với giá khí đốt tăng 26% vào đầu tuần trước sau khi Nga ngừng cung cấp qua Nord Stream 1, cuộc tranh luận gay gắt về nguồn cung đang bùng phát trở lại trên lục địa này.
Hiện EU có kế hoạch thay thế 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay, bất chấp các nhà phân tích cảnh báo rằng nỗ lực của khối trong việc thay thế nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ không đạt được mục tiêu.
Năm 2021, EU nhập khẩu khoảng 155 tỷ mét khối (bcm) khí đốt tự nhiên từ Nga. Thật không may, lượng khí thay thế được đề xuất của khối vào cuối năm 2022 - bao gồm đa dạng hóa LNG (khí tự nhiên hóa lỏng), năng lượng tái tạo, đa dạng hóa đường ống, năng lượng mặt trời,... chỉ đạt khoảng 102 bcm hàng năm, theo dữ liệu từ REPowerEU.
Do đó, những người ủng hộ khai thác mỏ cho rằng tiềm năng khí đá phiến của châu Âu hiện đang cần thiết hơn bao giờ hết, mặc dù Đức, Pháp, Hà Lan, Scotland và Bulgaria đều đã cấm khai thác trước đó. Hiện nay, cuộc tranh luận về vấn đề này đang được hồi sinh bởi những động thái gần đây ở Anh.
Thủ tướng mới của Anh Liz Truss đã thông báo rằng nước này đang dỡ bỏ lệnh cấm khai thác khí đá phiến, vốn được đưa ra vào năm 2019, khi nước này tìm cách tăng cường các nguồn năng lượng trong nước, đồng thời giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các hóa đơn năng lượng tăng cao.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm khai thác diễn ra chỉ ba năm sau khi Chính phủ Anh chấm dứt hỗ trợ công nghệ nứt vỡ thủy lực (hydraulic fracturing) sau khi cơ quan giám sát ngành dầu khí xác định rằng “với công nghệ hiện tại không thể dự đoán chính xác xác suất chấn động liên quan đến nứt vỡ”.
Anh chỉ sở hữu hai mỏ khí đá phiến ở Lancashire do Cuadrilla Resources vận hành. Giám đốc điều hành của Cuadrilla, Francis Egan, đã hoan nghênh việc dỡ bỏ lệnh cấm trên, nói: “ Đây là một quyết định hoàn toàn hợp lý và thừa nhận rằng việc tối đa hóa nguồn cung năng lượng trong nước của Anh là rất quan trọng nhằm chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra và giảm nguy cơ nó tái diễn trong tương lai".
Theo ông Egan, nếu không có các biện pháp mạnh như hiện nay, Anh sẽ phải nhập khẩu hơn 2/3 lượng khí đốt của mình vào cuối thập kỷ này, khiến công chúng và các doanh nghiệp Anh có nguy cơ tiếp tục thiếu hụt nguồn cung và giá tăng cao.
Tuy nhiên, bất chấp cuộc khủng hoảng nguồn cung đang diễn ra, phần còn lại của châu Âu khó có khả năng làm theo Anh.
Những lý do chính
Theo ước tính, châu Âu có dự trữ khí đá phiến nhiều hơn Mỹ, nhưng hoạt động khai thác quy mô lớn chủ yếu tập trung ở Ukraine, điều đã giúp Kiev hạn chế sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga từ nhiều năm trước.
Nhưng vấn đề khai thác khí đá phiến ở châu Âu từ lâu đã là một chủ đề gây tranh cãi vì sự phản ứng của dư luận, không giống như ở khu vực Bắc Mỹ.
Vào năm 2016, Cuadrilla Resources đã giành được quyền khai thác tới 4 mỏ khí đá phiến ở Anh, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều năm với các chính quyền địa phương.
5 năm trước đó, công ty này đã buộc phải ngừng khoan sau khi Chính phủ Anh đưa ra lệnh cấm một năm đối với hoạt động khai thác do một giàn khoan thăm dò ở Tây Bắc nước Anh gây ra các vụ rung chấn.
Năm 2013, hoạt động khoan của công ty lại bị gián đoạn sau khi hàng trăm người biểu tình ở một thị trấn nhỏ phía Nam London, buộc công ty này phải ngừng hoạt động.
Năm 2012, những người biểu tình ở Zurawlow, một thị trấn ở phía Đông Ba Lan, đã ngăn chặn thành công một địa điểm khai thác khí đá phiến trong khu vực này, trong khi các nhà hoạt động của Tổ chức Hòa bình Xanh cũng ngăn cản thành công việc khai thác một mỏ khí đá phiến ở Đan Mạch.
Sự phản đối mạnh mẽ của công chúng - cùng với những lo ngại về thuế, sự chậm trễ trong quy định và sản lượng kém từ một số mỏ thử nghiệm - đã khiến các nhà đầu tư từ bỏ việc khai thác khí đá phiến. Các công ty như Exxon Mobil, Chevron và TotalEnergies đã buộc phải từ bỏ các dự án ở Ba Lan sau khi việc thăm dò gây thất vọng. Nguồn khí kém cũng khiến tiến độ ở Đan Mạch bị đình trệ.
Bên cạnh đó, ở châu Âu không tồn tại một số điều kiện để thúc đẩy việc khai thác khí đá phiến như ở Mỹ. Ở hầu hết các quốc gia châu Âu, nhà nước chứ không phải chủ đất tư nhân có quyền sở hữu nguồn khoáng sản đối với dầu và khí đốt trong lòng đất.
Ngược lại ở Mỹ, nơi chủ đất có thể hưởng mức lên tới 1/8 doanh thu sản xuất. Thực tế, điều này có nghĩa là việc khai thác mỏ không mang lại nguồn thu tài chính lớn cho các chủ đất ở châu Âu.
Để thu hút sự ủng hộ của công chúng hơn đối với công nghệ này, Chính phủ Anh và một số công ty trước đây đã đề xuất các khoản thanh toán trực tiếp cho những người bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác. Tuy nhiên, các tổ chức môi trường đã phản đối mạnh mẽ động thái này, coi các khoản thanh toán như hối lộ. Tình hình không được cải thiện bởi thực tế là mật độ dân số ở châu Âu cao hơn gấp 3 lần so với ở Mỹ, dẫn đến nổ ra nhiều cuộc biểu tình phản đối.
Ngay cả sau nhiều thập kỷ công nghệ nứt vỡ thủy lực được áp dụng ở Mỹ, nhiều người châu Âu vẫn xem kỹ thuật này là chưa được thử nghiệm.
Sẽ rất thú vị khi xem liệu giá năng lượng cao kỷ lục cuối cùng có thuyết phục được châu Âu thay đổi quan điểm về quá trình khai thác khí đá phiến hay không. Một số quốc gia châu Âu đã phải quay trở lại sử dụng than đốt ở mức kỷ lục để duy trì lưới điện, nhưng gây ảnh hưởng đến mục tiêu khí hậu của họ.
Ngoài ra, có lý do khiến các nhà môi trường vẫn có thể tiếp tục phản đối: các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặc dù khí đốt tự nhiên sạch hơn than đá và giảm phát thải khí nhà kính, quá trình nung chảy có thể làm suy giảm những lợi ích này.
Quá trình gây nứt vỡ thủy lực cũng gây ảnh hưởng đến môi trường hơn than đốt chủ yếu do phát thải trực tiếp khí cacbonic và mêtan độc hại, cả hai đều là khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh.