Định vị thị trường
Sắc xanh đã không còn xuất hiện nhiều tại khu vực châu Á sau khi Tổng thống Trump đưa ra những thông điệp áp thuế với hàng hóa của Trung Quốc và nhiều quốc gia. Các thị trường đã đóng cửa với trạng thái giảm điểm nhẹ như NIKKEI 225 (-0,87%), KOSPI (-0,55%), TWSE (-1,17%), SZI (-0,84%).
Thị trường Việt Nam lại "né" được biến động chung với việc tăng được hơn 7 điểm. Tuy nhiên, đây cũng là một mức tăng khá "lửng lơ" khi dòng tiền tham gia còn thiếu tự tin và dàn trải.
Chất xúc tác
Thanh khoản của HOSE đã có sự cải thiện so với các phiên giao dịch trước. Khớp lệnh của sàn đã tăng 23% so với ngày hôm qua, lên 503 triệu đơn vị. Tuy nhiên, kết quả giao dịch này vẫn chưa thực sự thuyết phục khi còn ở dưới mức bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất.
Áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được xoa dịu khi khối này có phiên thứ 3 liên tiếp giải ngân nhẹ vào thị trường. Riêng HOSE đã nhận được thêm hơn 230 tỷ đồng với các mã FPT (+147 tỷ đồng), DPM (+127 tỷ đồng), MSN (+112 tỷ đồng) được mua ròng trên 100 tỷ đồng.
Trạng thái hiện tại của USD vẫn chưa thể suy yếu khi chỉ số DXY còn neo ở vùng đỉnh 2 năm. Giá bán USD trên thị trường tự do tiếp tục ở trên mức 25.800 VND/USD.
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng đã có sự điều chỉnh nhẹ xuống dưới 5,5% ở các kỳ hạn. Trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 4.699,91 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở. Trạng thái giao dịch có 72.999,91 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 18.350 tỷ đồng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Vận động thị trường
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi ngược lại sắc đỏ của khu vực và có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp. Tính trong vòng 5 phiên giao dịch trở lại, đây đã là phiên tăng điểm thứ 4.
Mức tăng của chỉ số không thực sự thuyết phục: VN-Index tăng 7,43 điểm lên 1.242,13 điểm (+0,6%). So với phiên đầu tuần, thành tích tăng chỉ nhỉnh hơn đôi chút.
Nhóm VN30 ghi nhận có 25/30 mã tăng giá tuy nhiên các mã tốt nhất chỉ có được biên độ trên 1% như MWG (+1,7%), POW (+1,6%), BID (+1,5%), HDB (+1,4%), GVR (+1,3%), VCB (+1,2%), SAB (+1,1%), STB (+1,1%), FPT (+1%).
Điều này cho thấy tiền lớn vẫn còn nguyên sự dè dặt trong tâm lý và mới chỉ ưu tiên cho quá trình hỗ trợ thị trường hồi phục. Tổng giá trị giao dịch của cả rổ VN30 chỉ đạt hơn 5.700 tỷ đồng chiếm 43% tổng giao dịch toàn sàn.
Lượng tiền phân bổ còn lại cho các cổ phiếu Midcap và Penny cũng không đủ để tạo ra các điểm nhấn rõ ràng. Một số mã Bất động sản như DXG (+1,18%), PDR (+1,67%) đã xuất hiện trong top 10 thanh khoản của HOSE nhưng đều chưa thể giữ lại được thành quả tốt nhất trong phiên.
Các mã Chứng khoán, Thép, Khu công nghiệp như VIX (+2,75%), HCM (+1,62%), FTS (+1,32%), HSG (+1,33%), KBC (+1,83%) đều có mức tăng nhẹ.
Một số cổ phiếu cá biệt như NHA, YEG, EVG dù tăng trần nhưng chỉ mang tính chất rời rạc trong bức tranh chung. Trong khi, các mã VTP (-4,06%), HVN (-2,67%) đã xuất hiện lực bán chốt lời sau chuỗi phiên đi ngược lại xu hướng.
Toàn HOSE ghi nhận 63% mã tăng giá. Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 13.298 tỷ đồng, tương đương 575,09 triệu đơn vị.
Còn HNX-Index tăng 0,65% và UPCoM-Index tăng 0,26%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.600 tỷ đồng.