Doanh nghiệp sản xuất vàng hàng đầu AngloGold Ashanti sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán New York. Công ty AngloGold Ashanti chính thức chấm dứt mối quan hệ với Nam Phi 3 năm sau khi bán đi mỏ cuối cùng tại đất nước này.
Tuy nhiên những gì đang diễn ra cũng cho thấy thực tế của thị trường khai thác vàng: nếu doanh nghiệp nào đó muốn có thêm vốn và nhà đầu tư, New York là điểm đến duy nhất.
Vị thế của New York trong vai trò trung tâm giao dịch toàn cầu của cổ phiếu doanh nghiệp vàng toàn cầu đang trở nên lớn dần hơn trong những năm gần đây sau khi một loạt các vụ việc mua bán & sáp nhập lớn định hình lại ngành sản xuất và kinh doanh vàng trên toàn cầu. Hai doanh nghiệp vàng lớn tại Bắc Mỹ được tạo ra thống trị toàn ngành, cổ phiếu của cả hai doanh nghiệp này đều được niêm yết tại New York. Sự tập trung của các quỹ ETFs chuyên đầu tư vàng cũng khiến cho xu thế đó ngày một mạnh hơn.
“Rõ ràng đó là nơi tập trung nhiều vốn và những nhà đầu tư giàu có nhất”, CEO của công ty vàng AngloGold – ông Alberto Calderon nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn mới đây.
Đã nhiều năm nay, New York cạnh tranh với London trong vai trò trung tâm giao dịch cổ phiếu vàng hàng đầu thế giới, cùng nhóm này có Toronto, Johannesburg và Sydney. Sự cạnh tranh này giờ đây không còn nữa.
Tầm quan trọng của việc niêm yết cổ phiếu tại New York với AngoGold hiện đã rõ ràng. Việc công ty niêm yết cổ phiếu bổ sung trên sàn New York giờ đây đã chiếm đến hơn 2/3 tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu doanh nghiệp này, chính vì vậy mang đến nguồn thanh khoản quan trọng dù rằng chỉ khoảng 30% cổ phiếu được nhà đầu tư Mỹ nắm giữ.
Động thái của AngloGold diễn ra khi mà giá vàng đang hướng đến mức cao kỷ lục và vì vậy khiến cho sự quan tâm của nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn. Giá vàng tăng trong bối cảnh căng thẳng ngành ngân hàng leo thang, các ngân hàng đẩy mạnh mua vàng và xuất hiện ngày một nhiều đồn đoán về khả năng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất trong khoảng thời gian còn lại của năm.
Mỹ là nơi tập trung nhiều quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới ví như quỹ The VanEck Gold Miners ETF. Khi mà ngày một nhiều nhà đầu tư rót tiền vào các sản phẩm ETF để có những hoạt động đầu tư liên quan đến vàng, đó cũng là cách nhanh gọn để tăng được thanh khoản.
Trên sàn London, công ty Randgold Resources từng trở thành hiện tượng của ngành, việc doanh nghiệp này niêm yết thành công đã thu hút thêm nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành và thực sự đã trở thành làn sóng.
Thế nhưng rồi sau đó mọi chuyện không giống như sự hào hứng ban đầu. Những doanh nghiệp cố gắng học theo thành công của Randgold chật vật với nhiều vấn đề về hoạt động còn chính bản thân Randgold sau đó vẫn giữ được thành công khi mà CEO của doanh nghiệp – ông Mark Bristow cũng đã thâu tóm được thêm một doanh nghiệp khác có tên Barrick.
Tuy nhiên, bản thân sau này ông Bristow cũng niêm yết cổ phiếu tại Mỹ và rất nhanh chóng, khối lượng cổ phiếu giao dịch cổ phiếu của doanh nghiệp này trên sàn New York nhanh chóng chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng giao dịch cổ phiếu của doanh nghiệp này trên các sàn của thế giới.
Giá vàng nhiều khả năng sẽ chốt lại năm 2023 ở mức 2.100USD/ounce và rồi sau đó lên ngưỡng 2.200USD/ounce trước thời điểm tháng 3/2024, theo ngân hàng UBS. UBS nhận định việc nhiều ngân hàng trung ương mua vào sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, theo nội dung bài báo mới được Kitco News đăng tải.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, vàng vốn được coi như loại tài sản có tăng trưởng tốt nhất, giá vàng đã tăng được 9,2% trong năm 2023, giá vàng nhiều lần giao dịch ở ngưỡng 2.000USD/ounce. Cũng theo ngân hàng UBS, quá trình tăng giá của vàng còn lâu mới kết thúc.
“Một yếu tố quan trọng kéo giá vàng tăng chính là việc nhu cầu của nhiều ngân hàng trung ương ở mức cao và nhiều nhà đầu tư tài chính trở lại thị trường, các quỹ ETFs và quỹ trên thị trường quyền chọn đều ghi nhận nhu cầu đầu tư cao nhất trong hơn 1 năm. Tháng 3/2023 là tháng đầu tiên các quỹ ETFs đón nhận vốn ròng”, UBS nhấn mạnh.
Cũng theo UBS, làn sóng các ngân hàng trung ương mua mạnh vàng sẽ có thể kéo dài thêm một năm nữa. Và dù rằng loại nhu cầu vàng kiểu này không trực tiếp ảnh hưởng đến giá cả, mức độ mua cao kỷ lục như từng chứng kiến trong thời gian gần đây cũng gây ra nhiều ảnh hưởng.
“Thông thường, các ngân hàng trung ương được coi như đối tượng mua thứ cấp trên thị trường bởi khối lượng mua của họ hiếm khi đạt được quy mô tương đương như các quỹ ETFs, quỹ đầu cơ và nhiều loại hình quỹ khác. Tuy nhiên trong năm 2022, mọi chuyện đều đã thay đổi. Nhu cầu mua của các ngân hàng trung ương lên mạnh trong năm ngoái, mức cao nhất tính từ năm 1950”, nghiên cứu của UBS nhấn mạnh. Tỷ trọng đóng góp của nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương trong tổng cầu vàng toàn cầu ước tính 23% trong năm 2022 trong khi đó giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2019, tỷ lệ này chỉ từ 8-14%.
UBS cũng nhắc đến khảo sát của HSBC mới đây thực hiện với 83 ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó đến 2/3 ngân hàng trả lời cho biết họ sẽ tăng nắm giữ vàng trong năm 2023. Hai lý do quan trọng cho điều này chính là họ lo ngại về rủi ro địa chính trị cũng như rủi ro lạm phát.
“Tính từ đầu năm 2023 đến nay, tổng khối lượng mua chính thức của các ngân hàng trung ương ước tính khoảng 120 tấn, như vậy nếu tính cả năm nay dựa trên xu thế hiện tại, ngân hàng trung ương các nước có thể mua đến 750 tấn vàng. Dù rằng điều này cho thấy sự chững lại của tốc độ mua vàng so với năm 2022, năm 2023 sẽ vẫn là năm các ngân hàng trung ương mua vàng cao thứ 2 trong lịch sử. Trong năm ngoái, tổng lượng vàng các ngân hàng trung ương mua vào ước tính 1.136 tấn”, biên bản của UBS cho hay.