Trong cuối tuần qua, ngân hàng JP Morgan Chase - một trong bốn ngân hàng hàng đầu nước Mỹ và hiện đang nắm khoảng 10% tổng tiền gửi người dân và doanh nghiệp nước này, đã chính thức tiếp quản ngân hàng First Republic, vụ việc này đánh dấu cho vụ sụp đổ lớn thứ 2 trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ.
Theo nội dung bài báo mới được Kitco News đăng tải, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô và chuyên gia về bitcoin – ông Andrew Axelrod, cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ thực ra mới chỉ bắt đầu. Ông nhấn mạnh rằng có nhiều ngân hàng hiện vẫn đang có nhiều ràng buộc, liên quan với thị trường bất động sản thương mại, lĩnh vực này có thể sụp đổ bởi xu thế làm việc từ xa và nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô tài sản.
“Khi người ta chợt nhận ra rằng làm việc từ xa cũng mang lại nhiều hiệu quả, điều đó cũng đồng nghĩa có quá nhiều không gian văn phòng trống”, ông Axelrod nói với báo giới.
Quan điểm của ông Axelrod cũng giống như những gì mà CEO của Tesla – ông Elon Musk và phó chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway – ông Charlie Munger, những người đã cảnh báo về rủi ro của các khoản vay cho lĩnh vực bất động sản thương mại. Trong cuộc phỏng vấn với biên tập viên của Fox News, ông Tucker Carlson, ông Musk từng nói rằng bất động sản thương mại sẽ là “vật tế thần” tiếp theo trong cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng Mỹ đang diễn ra.
Khi mà nhiều nhà đầu tư rút tiền khỏi ngân hàng và chuyển sang trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ vốn mang lại lợi suất cao hơn và khi mà nhiều khoản vay thế chấp đáo hạn, ông Axelrod cho rằng sẽ có vấn đề lớn xảy ra.
Phiên giao dịch gần nhất, khi mà giá vàng tăng vọt kể cả sau khi ngân hàng First Republic được cứu, ông Axelrod cho rằng bất ổn kinh tế có thể đẩy giá vàng lên ngưỡng khoảng 3.000USD/ounce trong vòng 12 tháng tới: “Tôi không nghĩ mức 3.000USD là không tưởng”.
Dự báo của ông Axelrod được đưa ra trong bối cảnh làn sóng mua vàng dâng cao, năm 2022 có thể coi như năm mua vàng kỷ lục của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới.
Khi thêm nhiều ngân hàng sụp đổ và kinh tế Mỹ tăng trưởng chững lại, Fed sẽ lại sử dụng công cụ nới lỏng tiền tệ để cứu nền kinh tế, ông Axelrod nói.
“Chúng ta đang chờ một cơn bão hoàn hảo, đó là khi mà bảng cân đối kế toán của Fed lại phình to. Chúng ta vốn đã chứng kiến điều đó xảy ra với các đợt giải cứu. Ở thời điểm nào đó, những loại tài sản độc hại này sẽ được Fed hấp thụ”, ông Axelrod.
Vàng hiện tại đang là một tài sản được ưa chuộng bởi nhiều nhóm nhà đầu tư, đặc biệt khi mà nhiều nước lớn của thế giới như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi đang trong xu thế đa dạng tài sản để giảm nắm giữ đồng USD. Trong xu hướng này, dù bị các nước phương Tây hạn chế, vàng của Nga đang tìm được những “bến đỗ” mới.
Các bên mua phương Tây đã giảm mua vàng Nga từ khi căng thẳng Nga – Ukraine bùng phát, chính vì vậy doanh nghiệp vàng của Nga chuyển sang tìm kiếm bên mua tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Hồng Kông và Thổ Nhĩ Kỳ, theo nội dung bài báo mới được Business Insider đăng tải.
Trong năm ngoái, chính phủ bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) đã cấm nhập khẩu vàng Nga, đồng thời cấm các doanh nghiệp trụ sở tại đây giao dịch vàng Nga.
Thị trường nội địa Nga mỗi năm không thể hấp thụ thêm được lượng vàng trị giá 20 tỷ USD mà họ sản xuất ra, chính vì vậy họ thực sự cần tìm kiếm các bên mua khác thay thế cho các doanh nghiệp phương Tây.
Bloomberg News từng dẫn số liệu hải quan của ImportGenius cho thấy trong khoảng thời gian 6 tháng tính đến tháng 8/2022, vàng của Nga đã được điều hướng sang nhiều nước khác không chịu ràng buộc bởi những quy định hạn chế của phương Tây.
Nhiều doanh nghiệp tại các nước/vùng lãnh thổ như UAE, Hồng Kông hay Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn được cho phép mua vàng của Nga.
Công ty VPower Finance Security tại Hồng Kông vốn chuyên xử lý các giao dịch tiền mặt và vàng cho ngân hàng tại Trung Quốc đã mua hơn 300 triệu USD vàng của Nga trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8/2022.
Còn với UAE, các nhà kinh doanh vàng tại nước này cũng đã mua hơn 500 triệu USD vàng Nga. Phần lớn các doanh nghiệp UAE mua vàng Nga đều có trụ sở tại Dubai.
Thổ Nhĩ Kỳ trong khi đó cũng đã nhập khẩu ước tính 305 triệu USD vàng Nga thông qua sân bay Istanbul trong vòng 6 tháng nói trên, tổng giá trị nhập khẩu ước tính 109 triệu USD.
Không ít chuyên gia dự báo mức xuất khẩu vàng của Nga ra các thị trường nước ngoài sẽ sớm chạm mốc trước căng thẳng Nga – Ukraine.