Những lo lắng về điều kiện tín dụng và cuộc tranh cãi về trần nợ công sẽ khiến cho giá vàng duy trì ở ngưỡng cao kỷ lục trong vài tháng nữa, theo nhận định của các chuyên gia phân tích.
Theo bản tin mới nhất của Kitco News, giá vàng giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu khi mà nỗi sợ của ngành ngân hàng giảm đi và báo cáo thị trường việc làm Mỹ tháng 4/2023 tốt hơn so với kỳ vọng.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong 53 năm là 3,4%, kinh tế Mỹ có thểm 253.000 việc làm mới trong tháng vừa rồi.
“Thị trường việc làm đang có sự vững vàng bất chấp việc lãi suất cơ bản đồng USD tại Mỹ tăng mạnh trong năm vừa qua, chắc chắn thực tế này sẽ ảnh hưởng đến định hướng chính sách tiền tệ của Fed. Fed sẽ vẫn theo dõi chặt chẽ các số liệu kinh tế trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về triển vọng chính sách tiền tệ”, chuyên gia phân tích tại CompareBroker – ông Jameel Ahmad chỉ ra.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 6/2023 chốt ở mức 2.024,3USD/ounce, giảm 1,3% trong ngày. Trước đó trong tuần, giá vàng đã có lúc chạm mức 2.085,4USD/ounce.
“Nỗi lo về ngành ngân hàng tạm thời đã biến mất. Tuy nhiên mọi chuyện sẽ không sớm chấm dứt như vậy. Nhìn chung, rủi ro sẽ ngày một tăng lên, điều kiện tín dụng thắt chặt. Nội bộ chính phủ Mỹ sẽ có cuộc đối thoại căng thẳng liên quan đến vấn đề trần nợ. Rủi ro sẽ trở lại”,chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại quỹ OANDA – ông Edward Moya nói với Kitco News.
Thị trường vàng sẽ không đương đầu với bất kỳ rủi ro nào thực sự lớn cho đến khi vấn đề trần nợ và rắc rối trong ngành ngân hàng được giải quyết, chuyên gia về thị trường hàng hóa tại Capital Economics – ông Edward Gardner nhận định.
“Nỗi lo về các ngân hàng và vấn đề trần nợ Mỹ sẽ đẩy giá vàng lên những ngưỡng cao kỷ lục trong vài tháng tới. Tuy nhiên, một khi những nỗi lo giảm đi, tôi nghĩ các yếu tố dài hạn sẽ bộc lộ rõ ràng. Chỉ báo về mức độ căng thẳng trong các nền kinh tế phát triển cho thấy rằng giá vàng hiện đang hưởng lợi từ việc nhu cầu tài sản an toàn tăng mạnh”, ông Gardner nói vào ngày thứ Sáu.
Washington hiện đang trong tình thế bế tắc về vấn đề trần nợ Mỹ, nó làm tăng rủi ro Mỹ vỡ nợ trước thời điểm ngày 1/6/2023.
Vào tuần này, quỹ RBC Wealth Management cảnh báo những vấn đề chính trị và kinh tế hiện đang gây ra nhiều thách thức nhất. Lần gần nhất vấn đề trần nợ gây sốc chính là vào năm 2011, thời điểm này và khi đó cũng có những điểm tương đồng.
“Năm 2011, nợ Mỹ chạm trần vào ngày 16/5/2011 và sau quá nhiều căng thẳng về chính trị, Mỹ đã phải thông qua dự thảo để nâng trần nợ từ ngày 1/8/2023. Trong ngày đó, giá vàng tăng rất mạnh, nguyên nhân chính do những nỗi lo về vấn đề tài chính của chính phủ Mỹ. Những nỗi lo này hiện đang trở lại”, ông Gardner nói.
Những vấn đề này có thể gây tổn hại đến thị trường trong vài tháng tới, giá vàng sẽ duy trì trong ngưỡng 2.000USD/ounce, theo phân tích của Capital Economics.
Việc tái lập những ngưỡng cao kỷ lục trong ngắn hạn có thể khó, tuy nhiên, giá vàng sẽ lại trở lại ngưỡng này, ông Moya nói.
“Lạm phát dường như vẫn tồn tại dai dẳng, điều này lý giải cho việc tại sao Fed lại duy trì quan điểm thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, triển vọng của giá vàng vẫn tích cực”, ông Moya dự báo. Ngưỡng hỗ trợ hiện tại của giá vàng là 1.900USD và ngưỡng kháng cự đầu tiên sẽ là 2.040USD/ounce.
Cũng theo ông Moya, Fed đã hoàn tất quá trình điều chỉnh lãi suất. Cuộc họp vào tháng 6/2023 chắc chắn sẽ đánh dấu cho sự hãm phanh điều chỉnh chính sách tiền tệ. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến giá vàng bao gồm vấn đề trần nợ, rắc rối của ngành ngân hàng và rủi ro suy thoái kinh tế.
Các thông tin kinh tế quan trọng công bố trong tuần bao gồm: số liệu CPI, quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ.