Theo đó, đồng USD mạnh hơn một chút ở mức 161,56 yen đổi 1 USD vào thứ Ba, gần với mức ghi nhận trong đêm trước đó là 161,72 yen đổi 1 USD - cao nhất kể từ tháng 12/1986 tới nay.
Vào cuối ngày 2/7 (giờ địa phương), Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ phát biểu tại một sự kiện do Ngân hàng Trung ương châu Âu tổ chức. Bài phát biểu sẽ tập trung vào chính sách tiền tệ của Mỹ trong một tuần sẽ công bố một số báo cáo được theo dõi chặt chẽ, bao gồm dữ liệu việc làm.
Cặp tiền tệ này rất nhạy cảm với lãi suất của Mỹ, trong khi lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn của nước này đã tăng gần 14 điểm cơ bản lên 4,479% vào đầu tuần. Các nhà phân tích cho rằng diễn biến đó là do kỳ vọng ông Donald Trump sẽ tái đắc cử Tổng thống, dẫn đến mức thuế lẫn các khoản vay chính phủ gia tăng.
Ông Chris Weston, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty môi giới đầu tư Pepperstone, cho biết kết quả tranh luận không mấy ấn tượng của Tổng thống Joe Biden vào tuần trước là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng lợi suất. Nhưng một chất xúc tác bổ sung là Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ một phán quyết trước đó của tòa cấp dưới, khẳng định ông Donald Trump vẫn được hưởng quyền miễn trừ truy tố.
Theo ông Weston, các nhà giao dịch trái phiếu đang để mắt đến khả năng thắng cử ngày càng tăng của ông Trump. Nếu điều này thành sự thật, thị trường nhận định một nhiệm kỳ mới của ông sẽ gây ra lạm phát cho nên kinh tế.
Trong khi đó, tình trạng bất ổn của đồng yen khiến các nhà giao dịch cảnh giác cao độ về khả năng Chính phủ Nhật Bản can thiệp vào thị trường. Trước đó, nước này đã chi khoảng 9.800 tỷ yen (60,65 tỷ USD) từ cuối tháng Tư đến đầu tháng Năm để hỗ trợ đồng nội tệ sau khi đồng yen giảm xuống còn 160,82 yên đổi 1 USD.
Đồng euro đứng vững so với đồng bạc xanh khi chỉ giảm nhẹ 0,07% xuống 1,0733 USD đổi 1 USD. Trước đó, trong phiên 1/7, đồng tiền này đã tăng lên mức 1,0776 USD đổi 1 euro.
Các nhà đầu tư bày tỏ sự nhẹ nhõm khi đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu do chính trị gia Marine Le Pen lãnh đạo đã không chiếm được tỷ lệ lớn hơn trong vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối tuần qua. Dù vậy, đảng RN vẫn giành ưu thế lớn với 33% phiếu bầu, so với liên minh Mặt trận Bình dân Mới được 28% và phe trung dung chỉ được hơn 20%.
Trong bối cảnh đó, phe trung dung của Tổng thống Macron bắt đầu hợp tác với cánh tả để đảm bảo đảng RN không giành được 289 số ghế cần thiết để chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội gồm 577 ghế. Ngoài ra, các ứng cử viên đứng thứ ba đủ điều kiện vào vòng 2 đã được khuyến khích rút lui để củng cố mặt trận phản đối phe cực hữu.