Nhu cầu cận Tết tăng cao, các nền tảng Fintech hỗ trợ tài chính vẫn "ngóng" pháp lý

Khi Tết Nguyên đán cận kề, nhiều người lao động ngóng lương, thưởng. Và khi lương, thưởng chưa về, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, việc được hỗ trợ tài chính trở nên bức thiết...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong trường hợp khả năng tài chính có hạn, để vay được ngân hàng, người lao động phải có tài sản đảm bảo hoặc chứng minh được thu nhập. Đồng thời, các điều khoản ràng buộc chặt chẽ và quy trình phức tạp dễ gây tâm lý ngại ngần cho lao động phổ thông. Tín dụng đen từng trở thành “giải pháp” với họ, nhờ thủ tục giải ngân nhanh chóng, không cần tài sản đảm bảo; tuy nhiên mức lãi suất "cắt cổ" có thể lên tới hàng trăm phần trăm đã khiến nhiều người mất khả năng chi trả, rơi vào bẫy nợ, cùng nhiều hệ luỵ xấu...

Trước khoảng trống thị trường này, một số startup với mô hình “ứng lương” hay nhận lương linh hoạt đã ra đời. Tuy nhiên đến nay các nền tảng đó vẫn chưa có được hành lang pháp lý cụ thể để vận hành, dù đã có một giai đoạn "bùng nổ" trong dịch COVID-19...

Thưởng tết nhiều lĩnh vực giảm mạnh

Theo thông tin được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố chiều 10/1, dù nhìn chung mức thưởng Tết âm lịch năm nay dự kiến tương đương của năm 2022 song mức thưởng tết của nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ… lại giảm mạnh từ 10% đến 20%.

Tại cuộc họp, bà Vũ Thị Giáng Hương – Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn cho biết, từ tháng 9/2022 đến hết ngày 8/1/2023, đã có 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của hơn 546 nghìn lao động.

Trong đó, giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người (chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng); tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người (chiếm 1,28%); chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người (chiếm 9%).

Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 75%), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ. Đáng chú ý, 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng chủ yếu ở TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang…

Đáng chú ý, một khảo sát gần đây của Tổng Liên đoàn Lao động cho thấy, có tới hơn 30 nghìn lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và gần 9.500 lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ảnh hưởng do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, chấm dứt hợp đồng lao động.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Liên đoàn lao động của nhiều tỉnh thành cũng cho biết, trước tình hình khó khăn về việc làm, cùng giá cả tăng cao đã ảnh hưởng đến chất lượng sống của rất người lao động; đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp, đang phải thuê nhà trọ và nuôi con nhỏ.

Ảnh minh họa

Nhu cầu “ứng lương” của người lao động dịp cận Tết tăng cao

Với những người lao động phổ thông, công nhân, thông thường mỗi tháng doanh nghiệp nơi họ làm việc sẽ chi trả lương từ 1-2 lần cố định. Trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu ngày một tăng cao, các khoản phát sinh ngày một nhiều, nhiều người đã phải trải qua các lần “giật gấu vá vai” vào cuối tháng.

Tại Tọa đàm “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều” vào giữa năm 2022, TS. Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nêu thực trạng: “Nhiều công nhân lao động còn phải cắm sổ BHXH, CMND để đi vay chỉ 500.000 đến 1 triệu đồng chỉ để trả tiền thuê nhà, mua gạo…”.

Theo TS. Tiến, hiện nay, khả năng đàm phán của người công nhân rất thấp, hầu như không có, trong khi người sử dụng lao động lại đưa ra lý do mức lương căn cứ lương tối thiểu vùng cộng thêm 5,7% để trả cho người lao động.

Theo điều tra, khoảng 30% công nhân vì thu nhập quá thấp luôn trong tình trạng khó khăn, túng thiếu. Đối với họ, đa phần đều không có tiền tích luỹ, nhà ở, cùng với đó là ốm đau bệnh tật, đóng học cho con nên phải đi vay tiền.

Với những người lao động xa quê, câu chuyện ngóng chờ thưởng tết lại càng trở nên bức thiết, rõ ràng hơn. Bởi khi tết đến, các công nhân, lao động lại gánh nặng những chi phí như mua đồ Tết, biếu quà Tết cho cha mẹ, nội ngoại; mua sắm thực phẩm sử dụng trong mấy ngày Tết; tiền lì xì, tàu xe di chuyển về quê…

Nhiều cơ quan báo chí cũng đã phản ánh, vào dịp cận Tết, khi nhu cầu mua sắm, tiêu dùng còn tiếp tục tăng cao hơn, một bộ phận người lao động cho biết đã phải tìm tới các kênh cho vay, thậm chí là tín dụng đen để vay tiền - do phát sinh nhu cầu chi tiêu lớn mà kỳ trả lương, thưởng Tết chưa đến.

Theo Tech in Asia.
Theo Tech in Asia.

Trước khoảng trống thị trường này, các startup với mô hình “ứng lương” hay nhận lương linh hoạt đã ra đời. Tại khu vực Đông Nam Á, mô hình này tuy còn khá mới mẻ, nhưng những startup tương tự đã xuất hiện, được áp dụng khá nhiều tại một số nước Âu, Mỹ… Và dù đi sau nhưng tại Việt Nam, cũng đã xuất hiện 02 startup tiên phong về nền tảng “ứng lương linh hoạt” là GIMO và Vui App của Nano Technologies.

Với mô hình trên, các startup ứng lương sẽ cho phép người lao động được nhận lương sớm trước kỳ nhận lương thông thường, mà không phải chịu lãi suất hoặc một mức lãi suất rất nhỏ; đồng thời không chịu phí trả chậm, hay ảnh hưởng tới điểm tín dụng cá nhân.

Với GIMO – startup này cung cấp nền tảng giúp doanh nghiệp có thể tính toán lương của người lao động mọi thời điểm, từ đó cho phép người lao động có thể lĩnh lương sớm trước ngày trả lương định kỳ của doanh nghiệp. Số tiền tạm ứng được tính dựa vào dữ liệu chấm công thực tế của người lao động trong tháng. Và điều quan trọng là mọi giao dịch đều minh bạch, cập nhật theo thời gian thực.

Sau khi huy động thành công thêm 1,9 triệu USD vòng hạt giống từ Integra Partners của Singapore vào cuối năm 2021, đến nay GIMO đã hợp tác với hơn 80 công ty và phục vụ trên 350.000 người lao động trên cả nước. Khảo sát của GIMO ghi nhận, có tới 76% người lao động mong muốn được nhận lương sớm/trước từ 1-2 lần mỗi tháng. Trong đó, có hơn 50% lý do được người lao động đưa ra là để chi trả phí sinh hoạt hàng tháng; và 20% là để ứng trả các chi phí phát sinh…

Theo GIMO, việc nhận lương linh hoạt hỗ trợ sức khỏe tài chính của người lao động tăng lên, khi 80% người cảm thấy hài lòng hơn với chính sách của công ty kể từ khi được nhận lương linh hoạt; 79% cảm thấy bớt căng thẳng tài chính hơn kể từ khi được nhận lương linh hoạt; 40% không còn hoặc ít sử dụng các dịch vụ tài chính phi chính thống kể từ khi được nhận lương linh hoạt.

Đồng thời, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc làm người lao động thấy an toàn về tài chính sẽ càng trở nên quan trọng khi Việt Nam đang trở thành cứ điểm nổi bật trong thu hút FDI, với triển vọng trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới. Bởi khi dòng vốn và chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ, đồng nghĩa thị trường lao động đi lên, thì những tiêu chuẩn về phúc lợi cũng cần được nâng cao.

Vẫn ngóng chờ hành lang pháp lý cụ thể

Thị trường Fintech đã có quãng thời gian bùng nổ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Việc tương tác xã hội bị hạn chế dẫn đến lượng người dùng dịch vụ tài chính số tăng cao. Theo số liệu thống kê từ Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2021, số lượng công ty Fintech đã tăng gấp 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021; trong đó, có khoảng 70% là các startup...

Dù vậy, tại Việt Nam, các hoạt động của công ty cung ứng giải pháp Fintech, cho vay ngang hàng (P2P lending), mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu người dùng qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs),... đều chưa có quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh.

Trước thực tế này, ngày 6/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá xây dựng nghị định, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật có liên quan, để dự kiến trình Chính phủ trong quý 4/2021.

Tới giữa tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1124/QĐ-NHNN Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có yêu cầu: Nghiên cứu xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, trình Chính phủ ban hành trong năm 2022

Tuy nhiên, tới nay, kế hoạch trên vẫn chưa được hiện thực hóa bởi một văn bản pháp lý. Trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán hôm 5/1/2023 về tiến độ ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm Fintech, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Tới thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng và chúng tôi đang hoàn thiện trên cơ sở đóng góp ý kiến của các bộ, ngành và sẽ trình lại Chính phủ trong thời gian sớm nhất”.

Liên quan đến vấn đề trên, tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030, Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu đảm bảo mọi cá nhân và doanh nghiệp đều được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính hữu ích, có chi phi phí phải chăng và phù hợp với nhu cầu của họ...

Đồng thời, đặt ra Mục tiêu tổng quát là mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

Trong đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ...

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC).

Tổng Giám đốc HSC: Thị phần môi giới cá nhân có thể tăng gấp đôi, trái phiếu doanh nghiệp là mảng kinh doanh mới

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) đánh giá triển vọng mảng môi giới cá nhân đã khởi sắc trở lại bất chấp sức ép cạnh tranh lớn từ các đối thủ. Ngoài ra, tiết lộ sự chuẩn bị tham gia của công ty vào tự doanh trái phiếu doanh nghiệp.

Nhịp cầu doanh nghiệp

VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm sau 4 phiên

VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm sau 4 phiên

Chuỗi 4 phiên giao dịch dưới mốc 1.200 điểm đã tạm thời được cắt đứt. VN-Index đã xuất hiện một phiên tăng hơn 2% giúp cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu, cũng như nhóm đã bắt đáy có được sự nhẹ nhõm trong tâm lý giao dịch.

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

Theo sát hành trình chi tiêu không tiền mặt của khách hàng từ những ngày đầu ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng đến cột mốc tái cấu trúc thẻ cách đây nhiều năm, dấu ấn của VIB không chỉ là những con số biết nói, là vị thế dẫn đầu về công nghệ, ưu đãi và trải nghiệm người dùng, mà còn là sự tin tưởng, gắn bó của chủ thẻ.

Cùng PVcomBank trải nghiệm hệ sinh thái số đa tiện ích PVConnect.

Trải nghiệm hệ sinh thái số đa tiện ích PVConnect

Với sự cải tiến vượt bậc về công nghệ, ứng dụng ngân hàng số phiên bản mới - PVConnect của Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) không chỉ mang đến những trải nghiệm khác biệt, hiện đại, mà còn tập trung tối ưu tương tác với người dùng, đảm bảo mọi nhu cầu giao dịch của khách hàng đều trở nên nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng.

Chat với BizLIVE