Sau khi phản ánh về tình trạng cạn room tại STB (mã cổ phiếu của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank), đã có những tranh cãi về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài giữa Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và Sacombank.
Cả hai bên đã không có chung quan điểm về tỷ lệ sở hữu là 30% hay 23,63%. Cùng với đó là những ý kiến thiếu tích cực từ giới đầu tư như "thêm dầu vào lửa" khi cho rằng VSD cần phải chịu trách nhiệm do nhầm lẫn.
VSD lẽ ra phải điều chỉnh room STB từ 2017
Những cái nhìn thiếu tích cực xuất hiện sau khi lãnh đạo VSD cho biết tháng 5/2021, VSD đã có văn bản nới room cho Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) lại nhầm lẫn thành Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB).
Nhà đầu tư dường như chỉ chú ý đến sơ suất của VSD thay vì cách ứng xử của cơ quan quản lý trong trường hợp này. Tuy nhiên, quan điểm có thể sẽ thay đổi nếu biết rằng trường hợp STB thực tế lại không phải là nhầm lẫn duy nhất của VSD và cách xử lý của VSD là hoàn toàn khác.
Quay trở lại tháng 5/2021, VSD cũng đã nhầm giữa Ngân hàng Quân đội (MBB) và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) khi công bố điều chỉnh room ngoại của MSB vào ngày 27/5. Dù vậy, chỉ ngay sau 1 ngày, VSD đã có văn bản đính chính ngay về sơ suất này. Cả MBB và MSB đều khẩn trương công bố thông tin để kịp thời phản ánh cho nhà đầu tư.
Như vậy, với cùng sơ suất, cách xử lý của VSD rõ ràng không giống nhau. Cơ sở để cơ quan quản lý hành động khác đi là Sacombank không có yêu cầu nào giữ tỷ lệ room ngoại tại 23,63%.
Lẽ ra, tỷ lệ sở hữu tối đa còn phải được khôi phục sớm hơn từ năm 2017 về mức 30% sau khi 400 triệu cổ phiếu Southern Bank được phát hành hoán đổi chính thức niêm yết trên VSD. Khi đó, rất có thể tiền ngoại cũng có thể vào sớm hơn và có thể mua được STB với những mức giá rẻ hơn so các đợt mua vào trong 3 năm vừa qua.
Sacombank chưa thực sự "nâng niu" room ngoại?
Trao đổi với chúng tôi, một nhà đầu tư kinh nghiệm đánh giá cao chất lượng của Sacombank. Cổ phiếu STB đang ngày một hấp dẫn hơn nhờ triển vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh và đặc biệt hoàn toàn không bị pha loãng do phát hành trong suốt giai đoạn tái cơ cấu. Đây chính là điểm mấu chốt để giúp STB được khối ngoại mua ròng gần 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng theo nhà đầu tư kỳ cựu này, ban lãnh đạo Sacombank dường như chỉ đang tập trung vào chuyên môn mà chưa thực sự "nâng niu" room ngoại của mình.
Việc VSD liên tục công bố tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư ngoại tại STB là 23,63% trong giai đoạn từ 2016 đến 2021 đã dẫn đến những hiểu nhầm của Sacombank về giới hạn sở hữu. Trong khi đó, Sacombank lại chưa thực hiện động tác "khóa room" một cách chặt chẽ với mục đích làm "của để dành” như một số ngân hàng khác.
VPB, MBB, SSB là những ngân hàng đã chủ động "khóa room" dưới 30%.
Có thể lấy dẫn chứng cụ thể tại các ngân hàng như VPBank (VPB), SeABank (SSB), MBB đều đã ý thức khá rõ về việc "khóa room" tại điều lệ hoạt động.
Điều lệ của VPBankCụ thể, điều lệ của VPBank quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài 17,64%, SeABank quy định tỷ lệ tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài là 5% trong điều lệ.
Điều lệ của Ngân hàng SeABankCòn với MBB, đại hội đồng cổ đông quyết định tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ở trường hợp của Sacombank, điều lệ của ngân hàng chỉ quy định sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng được thực hiện theo quy định của Chính phủ nên theo Luật các tổ chức tín dụng, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 30%.
Điều lệ của SacombankĐáng ra, Sacombank cần phải có những phản ứng khẩn trương sau khi VSD điều chỉnh room ngay từ tháng 5/2021 thay vì việc lên tiếng muộn màng khi các nhà đầu tư ngoại đã rót hàng nghìn tỷ đồng để "vét sạch" room. Và câu chuyện có lẽ sẽ rất khác nếu như Sacombank đưa vấn đề room ngoại ra biểu quyết tại một đại hội đồng cổ đông bất thường hoặc ngay tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vừa qua.