Giá dầu hạ hơn 1,5% trong phiên ngày thứ Hai sau khi số liệu kinh tế Trung Quốc thấp hơn so với kỳ vọng khiến nhiều người hoài nghi về tăng trưởng nhu cầu tại nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, ngoài ra, việc một phần nhà máy cung cấp dầu lớn tại Libya khôi phục hoạt động cũng tạo ra nhiều áp lực lên giá dầu, theo nội dung bài báo mới được Reuters đăng tải.
GDP quý 2/2023 của Trung Quốc tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó dự báo của các chuyên gia là 7,3%, quá trình phục hồi kinh tế thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 không khỏi mất đà.
“GDP thấp hơn so với kỳ vọng, chính vì vậy những băn khoăn về kinh tế Trung Quốc sẽ không sớm giảm đi”, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại tổ chức tài chính ING – ông Warren Patterson phân tích.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent hạ 1,37USD/thùng tương đương 1,7% xuống 78,50USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai hạ 1,27USD/thùng tương đương 1,7% xuống 74,15USD/thùng. Như vậy giá của cả hai dầu giảm đến ngày thứ 2 liên tiếp.
Hoạt động mua dầu của các quỹ đầu cơ đã chững lại, đó là kết quả từ việc dự báo về nhu cầu đã có thể bị thổi phồng, phó chủ tịch bộ phận đầu tư tại quỹ BOK Financial – ông Dennis Kissler khẳng định.
Giá dầu đã có lúc tăng trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau khi có thông tin cho thấy Saudi Arabia kéo dài việc cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, sau đó có nguồn tin xác nhận thông tin này không chính xác.
2 trong 3 nhà máy tại Lybia đã khôi phục lại hoạt động sau khi đóng cửa trong tuần trước. Trong khi đó, xuất khẩu dầu của Nga từ các cảng sang phương Tây dự kiến giảm từ 100.000 đến 200.000 thùng thùng/ngày từ tháng tới, như vậy rõ ràng đây có thể coi như dấu hiệu cho thấy Moscow đang thực hiện đúng cam kết giảm sản lượng cùng với Saudi Arabia.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ được dự báo hạ xuống gần 9,4 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2023, đồng thời đây sẽ là tháng giảm đầu tiên tính từ tháng 12/2022, số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay.
Trung Quốc đang mua mạnh khí đốt, giới chức Trung Quốc đang khuyến khích các nhà nhập khẩu nước này không ngừng ký kết các hợp đồng mua năng lượng ngay cả sau khi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hạ nhiệt.
Theo Bloomberg, chính phủ Trung Quốc đang ủng hộ các doanh nghiệp nhà nước ký kết các hợp đồng mua năng lượng dài hạn và thậm chí đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng xuất khẩu năng lượng nhằm tăng cường an ninh năng lượng.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trở thành nhà nhập khẩu khí đốt hóa lỏng lớn nhất thế giới trong năm 2023. Đã 3 năm liên tiếp, các doanh nghiệp Trung Quốc đang ký kết nhiều hợp đồng mua dài hạn hơn bất kỳ nước nào trên thế giới.
Các chuyên gia về thị trường năng lượng phân tích Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn khủng hoảng năng lượng tái diễn, cùng lúc đó cố gắng kích thích tăng trưởng kinh tế. Các hợp đồng khí đốt hóa lỏng (LNG) được các doanh nghiệp quan tâm nhiều bởi hàng giao được thực hiện trên cơ sở giá cả ổn định so với trên thị trường giao ngay.
Tại thị trường này, giá khí đốt từng có thời điểm tăng lên ngưỡng cao chưa từng có trong lịch sử sau khi căng thẳng Nga – Ukraine mới bùng phát.
“An ninh năng lượng đã luôn là ưu tiên của Trung Quốc. Việc có nguồn cung dồi dào trong danh mục giúp họ có thể quản lý tốt ngay cả trong trường hợp có nhiều biến động trong tương lai. Tôi nghĩ xu thế này sẽ ngày một mạnh mẽ hơn”, trưởng bộ phận đầu tư và tư vấn tại quỹ Trident LNG ở Thượng Hải – ông Toby Copson phân tích.