Chỉ số DXY - đo lường sức mạnh của đồng USD với các đồng tiền chủ chốt - đã suy giảm đáng kể trong tháng 3/2025. Tại ngày 28/3, chỉ số DXY lùi về mức 104,3 – gần tương đương mức ghi nhận trước khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Có thể thấy, dường như kế hoạch thuế quan của Nhà Trắng đã không hỗ trợ chỉ số DXY như kỳ vọng. Theo giới chuyên gia, thị trường đã rơi vào trạng thái "mệt mỏi với thuế quan", khi các phản ứng không còn mạnh mẽ như trong giai đoạn hậu bầu cử.
Mặc dù chỉ số DXY giảm, tỷ giá USD/VND vẫn duy trì đà trong tháng 3. Ngày 21/3, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh tăng 6 đồng ở cả hai chiều mua – bán, lên mức 23.623-26.003 VND/USD. Đây là lần đầu tiên ngân hàng trung ương nâng giá bán USD tham khảo lên trên 26.000 đồng. Tuy nhiên, đến hiện tại, áp lực mất giá tiền đồng vẫn ở mức chấp nhận được (0,5 - 1,0% so với đầu năm 2025).
.png)
Trong khi đó, mức thuế quan có qua có lại của chính quyền Trump 2.0 được công bố ngày 2/4 sắp tới có khả năng sẽ thu hẹp hơn kế hoạch ban đầu. Theo WSJ, chính quyền ông Trump sẽ đặc biệt tập trung vào 15 quốc gia có mức thuế cao nhất và khối lượng thương mại lớn với Mỹ. Đáng lưu ý, mặc dù quy mô áp dụng thuế quan thu hẹp nhưng mức độ và quốc gia mục tiêu vẫn chưa rõ ràng, đồng thời, thuế quan có thể sẽ nghiêng về việc thực hiện ngay lập tức.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 30% tổng xuất khẩu hàng hóa) và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Năm 2024 tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đạt hơn 132 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu từ Mỹ đạt 15 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023. Thâm hụt thương mại của Mỹ đạt khoảng 104 tỷ USD (gấp 7 lần trị giá nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ).
“Thâm hụt thương mại với Việt Nam cũng là vấn đề Mỹ quan ngại từ nhiều năm, đặc biệt từ năm 2019 khi Mỹ yêu cầu hai bên cùng xây dựng và triển khai một kế hoạch hành động Việt Nam - Mỹ hướng đến cán cân thương mại hài hòa và bền vững”, Bộ Tài chính cho biết.
Trong bối cảnh này, CTCK Rồng Việt nhận định, rủi ro Việt Nam bị áp thuế quan đối ứng do yếu tố thâm hụt thương mại lớn với Mỹ vẫn còn hiện hữu và là yếu tố khiến áp lực tỷ giá có thể gia tăng trong ngắn hạn.
.png)
Trong khi đó, dưới góc nhìn rộng hơn, đánh giá tác động của chiến tranh thương mại đối với thị trường tiền tệ, CTCK PSI cho rằng, đồng nội tệ của Việt Nam khả năng sẽ tiếp tục mất giá.
Đồng quan điểm này, Standard Chartered cho biết, đồng VND đã duy trì xu hướng chung với các đồng tiền thuộc thị trường mới nổi châu Á trong ba năm qua, chịu tác động từ môi trường đồng USD mạnh. Mặc dù biến động thị trường trong nước vẫn ở mức thấp, các yếu tố bên ngoài như các động lực thương mại và điều kiện kinh tế toàn cầu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ giá.
Trước những yếu tố trên, ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Cấp cao Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Standard Chartered đã điều chỉnh dự báo tỷ giá hối đoái USD-VND, nâng mức dự báo giữa năm lên mức 26.000 đồng/USD và dự báo cuối năm 2025 ở mức 25.700 đồng/USD”.
Tuy vậy, trên thực tế, về phía thị trường, tỷ giá chào bán USD chỉ tăng 0,5%-1% từ đầu quý đến nay, thấp hơn nhiều so với các biến động quan sát được trong các quý giai đoạn 2022-2024, khi áp lực thị trường cao hơn.
“Chúng tôi tin rằng thị trường ngoại hối vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế trong nước”, CTCK Maybank Việt Nam nhận định.