Ngay trong ngày đầu tiên của tháng 8, ngân hàng Agribank chính thức điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Theo biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân vừa được Agribank công bố, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm, lên mức 1,7%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 3-5 tháng cũng tăng thêm 0,1%/năm, lên mức 2,0%/năm.
Trong khi đó, các kỳ hạn từ 6-11 tháng được giữ nguyên ở mức 3,0%/năm. Agribank cũng giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12-18 tháng ở mức 4,7%/năm, tuy nhiên lãi suất kỳ hạn 24 tháng trở lên được tăng thêm 0,1%/năm lên 4,8%/năm.
Tương tự, bước sang tháng 8, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm ở tất cả các kỳ hạn.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,3%/năm hiện đạt 3,3%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng 0,4%/năm lên 3,5%/năm và kỳ hạn 3 tháng tăng 0,3%/năm lên 3,6%/năm.
Kỳ hạn 4 và 5 tháng được Sacombank tăng lần lượt 0,2% và 0,1%/năm lên cùng mức 3,6%/năm. Trong khi, lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng mạnh 0,8%/năm lên 4,9%/năm.
Sau khi được điều chỉnh tăng thêm 0,6 - 0,7%/năm, lãi suất các kỳ hạn 7 - 11 tháng tại Sacombank đã tăng lên mức 4,9%. Lãi suất kỳ hạn 12 - 13 tháng hiện là 5,4%/năm, sau khi tăng thêm 0,5%/năm.
Sacombank cũng tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn dài. Cụ thể, kỳ hạn 15 tháng tăng từ 5%/năm lên 5,5%/năm, kỳ hạn 18 tháng tăng từ 5,1%/năm lên 5,6%/năm, kỳ hạn 24 tháng tăng từ 5,2%/năm lên 5,7%/năm, và 36 tháng tăng từ 5,4%/năm lên 5,7%/năm.
Cùng thời điểm, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Theo đó, từ kỳ hạn 1 tháng đến 5 tháng, lãi suất tiết kiệm niêm yết lên mức 3,05%/năm, tăng 0,3 điểm % so với lần điều chỉnh gần nhất. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng cũng được nâng lên mức 5%/năm, cao hơn 0,2 điểm % so với tháng trước.
Đối với các kỳ hạn 7 - 11 tháng, lãi suất tiết kiệm tiếp duy trì ở mức 4,6%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất sẽ được chia làm 2 loại, gồm lãi loại 1 là 7,7%/năm áp dụng cho các hạn mức trên 500 tỷ và lãi loại 2 là 5,4%/năm áp dụng cho các hạn mức dưới 500 tỷ đồng.
Tại kỳ hạn 13 tháng, các tài khoản tiết kiệm có hạn mức trên 500 tỷ đồng được ấn định lãi loại 1 là 8,1%/năm. Các tài khoản có hạn mức dưới 500 tỷ đồng sẽ được triển khai lãi loại 2 là 5,6%/năm.
Với kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng, lãi suất tiết kiệm lần lượt là 5,9%/năm và 6%/năm. Tại kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, lãi suất tiết kiệm tiếp tục được huy động ở mức 5,4%/năm.
Trước đó, trong tháng 7, có tới 19 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động gồm: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank, KienLong Bank, VPBank, PVCombank, PGBank, Sacombank, BIDV, ABBank, Bac A Bank, SHB, và ACB. Trong đó, VietBank là ngân hàng tăng lãi suất 3 lần trong tháng 7, Saigonbank và VIB cũng đã tăng lãi suất huy động 2 lần trong tháng.
Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ dao động quanh 5%/năm, hiện lên 6,2%/năm. Số ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cũng nhiều gấp đôi, từ 12 lên 26 đơn vị.
Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, một trong những yếu tố thúc đẩy lãi suất gửi tiết kiệm đi lên là do tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng của hệ thống đạt khoảng 6%, tăng mạnh trong bối cảnh 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm.
“Điều này đã khiến các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường. Tiếp nối VietinBank, BIDV là ngân hàng thứ 2 trong nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24 - 36 tháng được tăng thêm 0,1 điểm % lên mức 4,9%”, chuyên gia của MBS phân tích.
Chuyên gia của MBS dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 0,5 điểm %, quay về mức 5,2 - 5,5% vào cuối năm nay. Dù vậy, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.