Nền kinh tế Hàn Quốc tìm cách “vượt cạn” trong năm 2023

Nhật báo The Korea Herald có bài bình luận trong đó nhấn mạnh rằng năm 2023 đã bắt đầu với những tin tức kinh tế ảm đạm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) ngày 1/1 vừa công bố Hàn Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại ở mức 47,2 tỷ USD trong năm 2022 và cũng là mức cao nhất mọi thời đại. Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại cũng duy trì ở tháng thứ chín liên tiếp. Xuất khẩu đã ghi nhận đà giảm 3 tháng liên tiếp gần đây và được dự báo giảm 4,5% trong năm 2023.

Thông tin này đưa ra vào ngày đầu năm mới được cho là để nhắc nhở người dân "xứ sở kim chi" về những điều kiện kinh tế bất ổn và nghiêm trọng mà họ sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Thêm vào đó, lạm phát cao và lãi suất tăng mạnh đã làm suy yếu tiêu dùng và làm trầm trọng thêm các điều kiện đầu tư. Chính phủ Hàn Quốc cũng dự báo đầu tư của các doanh nghiệp sẽ giảm 2,8% trong năm 2023.

Trong bối cảnh 3 trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc (gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng) đang đồng thời rung chuyển và tăng trưởng của nước này dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp (khoảng 1%) trong năm 2023, ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc sẽ phải là phục hồi nền kinh tế và phục hồi đà tăng trưởng.

Giá điện, khí đốt và phí giao thông công cộng dự kiến sẽ tăng cũng khiến cuộc sống của người dân Hàn Quốc trở nên khó khăn hơn. Triển vọng việc làm vẫn mờ mịt khi số việc làm trong năm 2022 tăng thêm 810.000 chỉ tiêu và trong năm 2023 được dự báo chỉ tăng thêm 100.000.

Nếu việc làm tăng với biên độ nhỏ trong bối cảnh lạm phát cao và lãi suất cao, khả năng tiêu dùng của người dân Hàn Quốc sẽ còn tiếp tục giảm hơn nữa. Điều này buộc Chính phủ Hàn Quốc phải cố gắng hơn nữa để bảo vệ sinh kế của tầng lớp lao động dễ bị tổn thương, giữ nền kinh tế khỏi suy thoái đồng thời thúc đẩy các chính sách để tăng cơ hội việc làm cho những người trẻ tuổi.

Trong bài phát biểu đầu năm mới 2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã nhấn mạnh rằng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Hàn Quốc trong năm nay. Ông tuyên bố sẽ đặt kinh tế làm trung tâm của ngoại giao và quản lý chiến lược xuất khẩu.

Tuyên bố đó phần nào đã thể hiện quyết tâm vực dậy xuất khẩu và dường như cho thấy Chính phủ Hàn Quốc đã đi đúng hướng nếu xét đến những khó khăn kinh tế hiện tại và vai trò của xuất khẩu trong việc thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc.

Tuy nhiên, hiện vẫn có lo ngại về việc liệu Chính phủ Hàn Quốc có thể vượt qua khủng hoảng kinh tế như dự định hay không. Năm 2022, Chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách cắt giảm 3 điểm phần trăm thuế suất thuế doanh nghiệp xuống mức tương tự của các nước lớn song kế hoạch này đã bị lùi lại trong khi chờ được quốc hội thông qua và tỷ lệ cuối cùng là 1 điểm phần trăm.

Xuất khẩu chất bán dẫn, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Hàn Quốc, được cho là đã giảm gần 30% trong tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt trong bối cảnh các nước tập trung hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn của mình.

Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã đề xuất một dự luật cung cấp khoản tín dụng thuế 20% cho khoản đầu tư vào cơ sở bán dẫn của các công ty lớn song cuối cùng cũng chỉ được phê duyệt ở mức 8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu.

Xem xét tầm quan trọng của chất bán dẫn trong nền kinh tế quốc gia, Chính phủ Hàn Quốc nên đưa ra các biện pháp một lần nữa để tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Tờ báo đi đến kết luận rằng sự hỗ trợ của quốc hội là rất quan trọng đối với sự thành công của chính sách. Trong bài phát biểu đầu năm mới, Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách lao động trong số 3 cải cách để vực dậy nền kinh tế.

Thực tế đã cho thấy “sân chơi” bị nghiêng hẳn về phía người lao động dưới thời chính quyền tiền nhiệm Moon Jae-in và nhiều người cũng đồng ý về sự cần thiết của việc làm cho nó trở nên đồng đều. Ngoài ra, thảo luận về giáo dục và cải cách lương hưu cũng cần phải bắt đầu ngay lập tức, đặc biệt là về cải cách lương hưu.

Tuy nhiên, 3 cải cách vừa nêu rất khó có thể hoàn thành nếu không có sự hợp tác hoặc hỗ trợ từ đảng Dân chủ (DP) vốn đang giữ thế đa số tại quốc hội. Theo đó, PPP cần phải rũ bỏ chủ nghĩa dân túy và hệ tư tưởng lỗi thời (như coi cắt giảm thuế doanh nghiệp hoặc tín dụng thuế cho đầu tư chất bán dẫn là những lợi ích chỉ dành cho giới siêu giàu).

Về phần mình, DP nên dừng việc cản trở các chính sách của chính phủ Tổng thống Yoon Suk-yeol gần như vô điều kiện. Trong năm 2022, Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất tổng cộng 107 dự luật nhưng 87 dự luật đã không được Quốc hội thông qua do vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ DP.

Vấn đề đặt ra là lập trường của DP rất khó có thể thay đổi trong năm 2023 nên biện pháp tốt nhất cho chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol ở thời điểm này là cần tiếp tục thúc đẩy cải cách dựa trên sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân./.

Theo Bnews

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE