“Chúng ta đang chứng kiến FED trở nên quyết liệt như đầu những năm 1980. Họ sẵn sàng hứng chịu tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và sự suy thoái kinh tế. Điều này không tốt cho tăng trưởng quốc tế”, kênh truyền hình CNN dẫn lời Chris Turner – người đứng đầu toàn cầu về thị trường tại tập đoàn tài chính ING.
Quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần của FED gần đây cùng báo hiệu nhiều đợt tăng khác đã đẩy các nước đối tác của Mỹ trở nên khó khăn hơn. Nếu bị tụt lại quá xa so với FED, các nhà đầu tư có thể rút tiền khỏi thị trường tài chính các nước đó và gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng.
Trong tuần qua, loạt ngân hàng trung ương tại Thụy Sĩ, Anh, Na Uy, Indonesia, Nam Phi, Nigeria, Philippines đều theo chân FED tăng lãi suất cơ bản.
Động thái của FED đã đẩy đồng USD đạt giá trị cao nhất trong 20 năm đối với các đồng tiền tệ khác. Mặc dù điều này giúp người Mỹ dễ thở hơn khi mua sắm ở nước ngoài, song nó lại là một tin xấu cho các nước khác, khi giá đồng tiền nhân dân tệ, yên, rupee, euro và bảng Anh sụt giảm, khiến việc nhập khẩu các đồ thiết yếu như thực phẩm và khí đốt trở nên đắt đỏ hơn.
Hậu quả của việc đồng USD tăng giá nhanh chóng đã trở nên rõ ràng hơn trong những ngày gần đây. Ngày 22/9, Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ lần đầu tiên sau 24 năm để đẩy giá đồng yên, vốn đã giảm 26% so với đồng USD từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ thị trường tiền tệ sau khi đồng nhân dân tệ giao dịch trong nước so với đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cảnh báo ngày 26/9 rằng sự giảm giá mạnh của đồng euro đã làm gia tăng áp lực lạm phát.
Đồng tiền krona của Thụy Điển. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Vương quốc Anh, tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát nhanh chóng khi các nhà đầu tư toàn cầu bị bóp nghẹt trước kế hoạch tăng trưởng kinh tế của chính phủ mới. Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD vào ngày 26/9 sau đợt thử nghiệm không chính thống về việc thực hiện cắt giảm thuế trong khi đẩy mạnh hoạt động đi vay.
Tình trạng hỗn loạn đã buộc Ngân hàng Trung ương Anh công bố một chương trình mua trái phiếu khẩn cấp để cố gắng ổn định thị trường.
“Hệ thống tài chính toàn cầu lúc này giống như một cái nồi áp suất. Bạn cần phải có các chính sách mạnh mẽ, đáng tin cậy và bất kỳ sai lầm nào cũng dẫn tới hậu quả khôn lường”, chuyên gia Turner nhận định.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu vào năm 2023 gia tăng khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đồng loạt tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Xu hướng này có thể dẫn đến một loạt cuộc khủng hoảng tài chính giữa các nền kinh tế đang phát triển, vốn vẫn đang quay cuồng sau đại dịch, và điều này sẽ gây tổn hại lâu dài cho họ.
Bên chịu tác động mạnh nhất từ động thái tăng lãi suất cơ bản của Mỹ có lẽ là các quốc gia phát hành nợ bằng đồng USD. Việc trả nợ bất ngờ trở nên đắt đỏ hơn khi đồng nội tệ giảm giá, buộc các chính phủ phải cắt giảm chi tiêu trong các lĩnh vực khác cũng như lạm phát làm suy giảm mức sống.
Dự trữ tiền tệ suy giảm cũng là nguyên nhân đáng lo ngại. Tình trạng thiếu hụt đồng USD ở Sri Lanka đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử của nước này.
Mức độ tăng lãi suất lớn ở nhiều quốc gia đang phát triển cũng đem lại rủi ro. Cụ thể, Brazil giữ lãi suất ổn định trong tháng này song trước đó, 12 lần tăng liên tiếp khiến lãi suất chuẩn hiện ở mức 13,75%.
Ngân hàng trung ương Nigeria cũng tăng lãi suất lên 15,5% vào ngày 27/9, cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế. Trong một tuyên bố, ngân hàng này nhấn mạnh việc thắt chặt chính sách tiền tệ liên tục của FED đang gây áp lực tăng giá đối với các đồng nội tệ trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến giá cả trong nước.