Quý đầu tiên của niên độ 2024-2025 và cũng là quý đầu tiên dưới thời tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đặng Huỳnh Ức My, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, mã: SBT) tiếp tục tăng trưởng ổn định và đang đẩy mạnh chiến lược M&A các doanh nghiệp cùng ngành, đồng thời, tái cấu trúc các khoản đầu tư không thuộc chuỗi giá trị nông nghiệp để tập trung toàn lực vào các hoạt động lõi.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I niên độ 2024-2025 (1/7/2024-30-9/2024) vừa công bố của TTC AgriS cho thấy, doanh thu thuần đạt gần 6.822 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, hoàn thành 26% kế hoạch năm.

Lợi nhuận gộp đạt hơn 840 tỷ đồng, tăng 20,6% so với quý III năm ngoái, biên lãi gộp cải thiện lên mức 12,3% (cùng kỳ là 10,9%). Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 265 tỷ đồng và 228 tỷ đồng, đều tăng 5% so với cùng kỳ và đã thực hiện được 29% kế hoạch năm.

Kết quả tích cực trên, theo TTC AgriS, là nhờ chiến lược tập trung vào các hoạt động cốt lõi và kiểm soát hiệu quả chi phí dù gặp những thách thức lớn từ biến động tỷ giá và đà giảm của giá đường.

Trong bối cảnh tăng trưởng mảng mía đường dần chững lại, mảng FBMC (thực phẩm - đồ uống - sữa - bánh kẹo) là một điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của TTC AgriS. Trong quý đầu niên độ 2024-2025, doanh thu của mảng này đạt 108 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ niên độ trước nhờ vào việc công ty liên tục cho ra mắt các dòng sản phẩm nước uống dinh dưỡng mới.

Với đà tăng trưởng bằng lần, TTC AgriS đặt mục tiêu doanh thu mảng FBMC chiếm 40% trong tổng doanh thu mục tiêu 60.000 tỷ đồng vào năm 2030, trong đó 8% đến từ thực phẩm; 28% đồ uống; 2,7% mảng sữa và 1,3% bánh kẹo.

Mảng đường sẽ hạ tỷ lệ đóng góp xuống 60% doanh thu mục tiêu với sản lượng tiêu thụ năm 2030 dự kiến đạt khoảng 1,7 triệu tấn (tăng 30% so với 1,3 triệu tấn đường tiêu thụ các loại của niên độ 2023-2024).

Trong niên độ vừa qua, mảng đường đóng góp 92% tổng doanh thu của công ty, nhưng với kế hoạch mới, tỷ trọng đóng góp của mảng đường đã giảm đáng kể thể hiện tham vọng chuyển đổi mạnh mẽ của TTC AgriS vào lĩnh vực FBMC trong 5 năm tới.

Tham vọng này không phải là không có cơ sở khi TTC AgriS đã có sẵn lợi thế, kinh nghiệm trong phát triển cây nông nghiệp như mía đường, dừa… Công ty cũng đang thực hiện tối ưu hóa và tận dụng toàn diện chuỗi giá trị các loại cây này trong hành trình sản phẩm FBMC.

Bên cạnh đó, lĩnh vực thực phẩm và nước giải khát được đánh giá vẫn rất tiềm năng, với khả năng duy trì tăng trưởng dài hạn. Việt Nam hiện là thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN, dự kiến chiếm 20% thị phần khu vực vào năm 2030, tạo cơ hội lớn cho TTC AgriS mở rộng trong phân khúc mới này.

Ngoài ra thị trường F&B cũng được dự báo phát triển theo xu hướng hướng đến các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên; tốt cho sức khỏe; ESG trong sản xuất,… Phù hợp với các loại sản phẩm hiện có và đang phát triển của TTC AgriS.

Thực tế, thời gian qua, TTC AgriS đang tích cực trong công tác M&A lĩnh vực FBMC. Vào tháng 9/2024, Global Mind Australia (GMAA), công ty thành viên của TTC AgriS đã công bố hoàn tất khoản đầu tư 1,5 triệu AUD vào East Forged, doanh nghiệp F&B (trà ủ lạnh) có trụ sở tại Brisbane, Australia.

Đến tháng 10, công ty tiếp tục thông qua chủ trương đầu tư dự kiến tối đa khoảng 40% vốn điều lệ Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) – một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất, phân phối và thương mại các các sản phẩm từ dừa cũng do bà Đặng Huỳnh Ức My làm Chủ tịch HĐQT - nhằm mục đích thực hiện đầu tư danh mục thuộc lĩnh vực định hướng chiến lược của công ty giai đoạn 2025-2030.

Việc đầu tư vào East Forged và sắp tới là Betrimex sẽ góp phần củng cố nội lực của TTC AgriS trong việc đón đầu xu hướng thị trường, nhu cầu khách hàng, cũng như hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ của công ty trong chiến lược mở rộng sang ngành hàng FBMC và khép kín chuỗi nông nghiệp thông minh tuần hoàn.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên niên độ 2023-2024 vừa diễn ra ngày 24/10, bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch TTC AgriS cho biết, sắp tới, doanh nghiệp này sẽ tập trung đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư thêm nhà máy sản xuất thực phẩm, đồ uống và bánh kẹo nhằm theo sát định hướng tham gia 100% vào chuỗi giá trị FBMC toàn cầu.

TTC AgriS hiện sở hữu vùng nguyên liệu trải rộng trên 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Úc, với tổng diện tích hơn 71.000 ha, hướng đến 90.000 ha vào năm 2030. Lợi thế vùng nguyên liệu lớn sẽ đảm bảo cho TTC AgriS luôn đủ nguyên liệu để giữ vững thị phần số 1 (khoảng 46%) của mảng đường nội địa. Cùng với đó, TTC AgriS dự kiến sẽ tận dụng lợi thế cạnh tranh này để đẩy mạnh các hoạt động R&D nhằm tối ưu hóa chuỗi giá trị cây trồng và danh mục sản phẩm từ các cây trồng mía, dừa, chuối, gạo…

TTC AgriS đặt mục tiêu nâng diện tích vùng nguyên liệu lên 90.000 ha vào năm 2030

Với sự tăng trưởng ổn định của lĩnh vực nông nghiệp và FBMC, Chủ tịch TTC AgriS khẳng định tại ĐHĐCĐ rằng doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh chào bán, tái cấu trúc danh mục các khoản đầu tư không thuộc chuỗi giá trị nông nghiệp để tập trung toàn lực vào các hoạt động lõi.

Trước đó, tại cuộc gặp với Chứng khoán Phú Hưng (SHS), lãnh đạo AgriS cho hay đang tìm kiếm các đối tác phù hợp trong quá trình tái cấu trúc danh mục đầu tư, bao gồm thoái vốn tại 6 doanh nghiệp có tổng giá trị ghi sổ chiếm 10% tổng giá trị tài sản công ty tại ngày 30/6/2024.

Trong đó, có 2 công ty niêm yết (lĩnh vực năng lượng và dịch vụ nhà hàng) là Công ty CP Điện Gia Lai (TTC AgriS đang nắm giữ 55,5 triệu cổ phiếu với giá gốc 750 tỷ đồng) và Công ty CP Du Lịch Thành Thành Công (TTC AgriS nắm giữ 1,7 triệu cổ phiếu, giá gốc 34 tỷ đồng).

Ngoài ra, còn 4 công ty chưa niêm yết là Công ty CP Toàn Hải Vân (lĩnh vực vận tải biển, giá trị ghi sổ 1.970 tỷ đồng); Công ty CP XNK Tân Định (lĩnh vực bất động sản, giá trị ghi sổ 414 tỷ đồng); Công ty CP Khai thác và Quản lý Khu công nghiệp Đặng Huỳnh (lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, giá trị ghi sổ 266 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư Hạ Tầng Cụm Công nghiệp Tân Hội (bất động sản khu công nghiệp, giá trị ghi sổ 15 tỷ đồng).

Bên cạnh định hướng đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành, tại ĐHĐCĐ vừa qua, TTC AgriS cũng kiện toàn bộ máy lãnh đạo tiệm cận hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, thay vì bầu 2 thành viên HĐQT là cựu lãnh đạo doanh nghiệp như dự kiến trước đó, TTC AgriS đã thông qua việc tăng cường các thành viên độc lập để nâng cao tính tập trung và hiệu quả hoạt động của HĐQT.

Trên cơ sở đó, ĐHĐCĐ đã bầu ra 1 nhân sự đại diện cổ đông lớn là bà Huỳnh Bích Ngọc – cựu Chủ tịch HĐQT và 1 thành viên độc lập là Lê Quang Phúc – đại diện được cổ đông quốc tế là Quỹ đầu tư Legendary Venture Fund 1 giới thiệu.

Ông Lê Quang Phúc, hiện cũng là thành viên HĐQT độc lập lâu năm của những công ty niêm yết có vốn hoá lớn như Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR)...

Như vậy, HĐQT nhiệm kỳ mới của TTC AgriS có 2/5 thành viên là thành viên độc lập HĐQT, tương đương 40%. Việc bổ sung 1 thành viên độc lập cho thấy cam kết của công ty trong việc nâng tầm quản trị theo chuẩn mực quốc tế, chú trọng vào tính độc lập và hiệu quả hoạt động của HĐQT; đồng thời là bước chuẩn bị để đón đầu yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Với cơ cấu nhân sự mới, tân Chủ tịch Đặng Huỳnh Ức My cho biết, HĐQT TTC AgriS sẽ đảm bảo tập trung vào việc hoạch định chiến lược một cách khách quan và hiệu quả, cũng như đảm bảo đúng định hướng tăng trưởng bền vững.

“Phát triển bền vững là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự trường tồn của TTC AgriS. Chúng tôi sẽ tập trung và kiên quyết hơn bằng cách triệt để thực hành tốt các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp hiện đại. Chúng tôi cũng đang tập trung dồn toàn lực để đạt được mục tiêu doanh thu 60.000 tỷ trước thời hạn”, bà My nhấn mạnh.

Thực tế, việc theo đuổi các cam kết phát triển bền vững, chuẩn hóa và minh bạch hoạt động quản trị tương ứng các thông lệ quốc tế, cũng đã giúp TTC AgriS thu hút các định chế tài chính quốc tế.

Chỉ trong vòng một năm gần nhất, với uy tín của thương hiệu cùng ảnh hưởng của bà Ức My trên trường quốc tế, TTC AgriS đã huy động được 270 triệu USD nguồn vốn ngoại từ các định chế và ngân hàng quốc tế như IFC, FCB, E.SUN,... đáp ứng cho nhu cầu mở rộng phạm vị thương mại toàn cầu. Trong tháng 10, TTC AgriS vừa công bố sẽ hoàn tất nhận khoản tài trợ vốn từ SACE S.p.A và ING với tổng giá trị 42 triệu USD.

Việc vượt qua được các tiêu chuẩn khắt khe của các định chế tài chính quốc tế để nhận vốn đầu tư cho thấy chiến lược chuyển đổi số trong nông nghiệp và kiên trì định hướng phát triển bền vững của TTC AgriS nhiều khả năng đang gặt hái “trái ngọt”.