TTC AgriS và nội lực kế thừa giữa hai thế hệ nữ lãnh đạo

TTC AgriS và nội lực kế thừa giữa hai thế hệ nữ lãnh đạo

Trong nền nông nghiệp Việt Nam hiện tại, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, mã SBT) đã khẳng định được vị thế là doanh nghiệp mía đường lớn nhất cả nước với bề dày 55 năm phát triển. Trong suốt chặng đường đó, tên tuổi của TTC AgriS gắn liền với “nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc cùng sự sát cánh của “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My.

 

Giữa tháng 7/2024, khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm (2019-2024), bà Huỳnh Bích Ngọc đã chính thức rút khỏi Hội đồng quản trị (HĐQT) của TTC AgriS và chuyển giao lại quyền điều hành cho con gái Đặng Huỳnh Ức My.

Được biết đến như "nữ tướng” tài năng của thế hệ doanh nhân F2, tân Chủ tịch Đặng Huỳnh Ức My là người kế nhiệm sáng giá với nhiều đóng góp cho TTC AgriS, đặc biệt là trong định hình tư duy dịch chuyển nông nghiệp thông minh tuần hoàn để hội nhập quốc tế.

Với tầm nhìn chiến lược dài hạn hướng đến doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, vợ chồng ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc đã dành cho cô con gái Đặng Huỳnh Ức My nhiều “đất” để phát huy khả năng, đồng thời chuẩn bị từ rất sớm cho bước chuyển giao thế hệ kế cận.

 

Ngay từ khi mới gia nhập TTC AgriS, nữ doanh nhân trẻ đã được giao vị trí Phó giám đốc điều hành và Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty CP Sản xuất Thương mại Thành Thành Công. Và từ đó đã bắt tay vào chuyển đổi toàn diện cơ cấu tổ chức, vận hành, kinh doanh,… của doanh nghiệp này.

Bằng việc chứng minh năng lực và thành quả thực tiễn mang lại cho Sản xuất Thương mại Thành Thành Công, tháng 7/2009, bà Ức My tiếp tục được bổ nhiệm chức vụ cao hơn là Tổng giám đốc của Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công. Sự trao quyền này mở đường cho bà My dẫn dắt thành công các thương vụ M&A Bourbon Tây Ninh, Đường Biên Hoà và tiếp tục trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, Thành viên HĐQT của TTC AgriS, Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Xuất Nhập Khẩu Bến Tre.

Bà Ức My cho biết, trong quá trình tiếp quản các vị trí quan trọng trong tập đoàn, bà luôn được mẹ ủng hộ tuyệt đối và truyền thụ những kinh nghiệm quý báu suốt 45 năm gắn bó với ngành mía đường và thương trường Việt Nam.

Đồng thời, bà Ức My cũng dần được mẹ chuyển giao vai trò người đại diện của TTC AgriS tại các sự kiện trọng yếu của quốc gia và quốc tế. Hành động này không chỉ thể hiện sự tín nhiệm mà còn là sự chuẩn bị cho việc tiếp cận những đổi mới, sáng tạo về công nghệ và xu hướng quốc tế hoá mà TTC AgriS hướng tới để có thể tiến xa hơn trong “cuộc chơi” toàn cầu.

"Cây tre già đi, mầm non mọc lên. Kế thừa là điều tất yếu, điều quan trọng là chọn đúng người. Tôi hài lòng với quyết định trao lại doanh nghiệp cho Ức My vì cô ấy là một nhà lãnh đạo trẻ có năng lực. Đây không chỉ là một động thái mang tính chiến lược mà còn là sự cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của TTC AgriS trong tương lai", bà Ngọc cho biết.

 

Với tầm nhìn tiên phong về số hóa, kinh doanh “xanh” và đổi mới sáng tạo cùng kinh nghiệm gần 20 năm về lĩnh vực tài chính và nông nghiệp, bà Ức My được kỳ vọng sẽ tiếp tục sứ mệnh phát triển bền vững và nâng tầm TTC AgriS ở giai đoạn tăng trưởng mới hướng đến mục tiêu đạt doanh thu 60.000 tỷ đồng vào năm 2030.

Con số này tất nhiên cũng sẽ đặt ra những thách thức đối với nữ tân Chủ tịch TTC AgriS khi trong 5 niên độ tới phải duy trì mức tăng trưởng khoảng 18% tính từ mức nền doanh thu dự kiến niên độ 2024-2025 là gần 26.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với những bước đổi mới mạnh mẽ, lợi thế cạnh tranh và quy mô ngày càng mở rộng (quy mô vùng nguyên liệu tại 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Úc dự kiến sẽ tăng từ mức hơn 71.000 ha hiện tại lên 90.000 ha vào năm 2030) thì con số trên hoàn toàn có cơ sở.

Hơn thế nữa, con số doanh thu gần 26.200 tỷ đồng mà ban lãnh đạo TTC AgriS dự kiến thông qua tại đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 24/10 tới đây được xem là con số thận trọng, đặt ra trong bối cảnh chi phí đầu vẫn cao và có xu hướng tăng trước những biến động của tình hình chính trị và kinh tế trên thế giới.

Còn thực tế, niên độ 2023-2024, dù cũng phải đối diện với những khó khăn tương tự như khó khăn dự kiến trong niên độ 2024-2025 nhưng TTC AgriS vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế kỷ lục, lần lượt đạt 29.062 tỷ đồng và 806 tỷ đồng, tương ứng tăng 17% và 33% so với niên độ trước, đồng thời, vượt xa kế hoạch đặt ra. Đây cũng là cơ sở để có thể kỳ vọng kết quả kinh doanh niên độ 2024-2025 của công ty tiếp tục tăng trưởng.

Trong niên độ 2024-2025, TTC AgriS dự kiến sản lượng sản xuất sẽ tăng hơn 7% so với niên độ trước trên cơ sở hoàn thiện mô hình kinh tế khoán, khoán trắng tất cả diện tích nông trường trong niên vụ này.

Ngoài ra, trong niên độ 2024-2025, công ty cũng sẽ tập trung mở rộng ngành hàng FBMC thông qua việc nghiên cứu và cho ra mắt các dòng sản phẩm mới. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động M&A các doanh nghiệp đồ uống triển vọng, tham gia sâu rộng và đón đầu xu hướng F&B toàn cầu.

 

Theo tân Chủ tịch TTC AgriS, niên độ 2024-2025 doanh nghiệp xác định đây là năm bản lề quan trọng, và là điểm nối vững chắc chuyển tiếp cho giai đoạn chiến lược 5 năm kế tiếp 2025-2030. Do đó, công ty tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, bám sát mục tiêu kiện toàn “Chuỗi giá trị trách nhiệm”, gia tăng chuỗi giá trị từ cây trồng, phát triển các giải pháp dinh dưỡng có nguồn gốc tự nhiên, tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm và đồ uống dinh dưỡng toàn cầu, tiến tới hoàn thành mục tiêu doanh thu 60.000 tỷ đồng vào năm 2030 và Net Zero vào năm 2035.

“Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển bền vững là nhiệm vụ to lớn. Chúng tôi đã kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua đối với chuỗi giá trị của TTC AgriS và sẽ tiếp tục nỗ lực trong 50 năm tới”, bà Ức My khẳng định.