Khi những "mỏ neo" của tiền tệ châu Á bị lung lay

Giới quan sát đang cảnh báo rằng thị trường tài chính châu Á có nguy cơ đối mặt những căng thẳng ở cấp độ khủng hoảng, khi hai trong số các đồng tiền quan trọng nhất của khu vực là yen Nhật Bản và NDT của Trung Quốc đều lao dốc khi đồng USD ngày càng mạnh

Đồng Nhân dân tệ (NDT) và đồng yen đều giảm do khoảng cách ngày càng tăng giữa chính sách tiền tệ “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với xu hướng duy trì tính ôn hòa ở Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong khi các quốc gia châu Á khác đang viện tới kho dự trữ ngoại hối để giảm thiểu thiệt hại do đồng USD gây ra, thì sự sụt giá của đồng NDT và đồng yen đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với mọi quốc gia, đe dọa tính hấp dẫn của khu vực châu Á vốn được coi như điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư mạo hiểm.

Những “mỏ neo” của tiền tệ châu Á

Tuần trước, đồng yen đã phá vỡ mốc 145 yen đổi 1 USD lần đầu tiên trong hơn 20 năm, sau khi Fed công bố nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp trong năm nay. Đồng nội tệ Nhật Bản chỉ phục hồi phần nào sau khi giới chức thông báo sẽ có sự can thiệp để chặn đà lao dốc hiện thời. Nhưng động thái đó khó có thể đảo ngược xu hướng suy giảm rất rõ rệt hiện thời.

Đồng NDT đầu tháng này cũng phá vỡ mốc 7 nhân dân tệ đổi 1 USD. Nguyên nhân là sức ép từ chính sách tiền tệ tại Mỹ và tăng trưởng tại Trung Quốc chậm lại do tác động từ chính sách “Zero COVID” và khủng hoảng bất động sản.

Ông Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại ngân hàng Mizuho Bank, cho biết đồng NDT và đồng yen là hai “mỏ neo lớn” trên thị trường tiền tệ châu Á. Sự mất giá của hai đồng tiền này có nguy cơ gây bất ổn cho các đồng tiền phục vụ hoạt động thương mại và đầu tư ở châu Á.

Chuyên gia này lưu ý một số khía cạnh tài chính - kinh tế của khu vực đã bắt đầu đối mặt mức độ căng thẳng tương tự như trong một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nếu các đồng tiền chủ chốt tiếp tục suy yếu sâu hơn, rất có thể sau đó sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Còn theo ông Jim O’Neill, cựu chuyên gia kinh tế tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, một số mốc đặc biệt như 150 yen đổi 1 USD có thể gây ra biến động ở quy mô tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Một số chuyên gia khác cho rằng tốc độ suy giảm quan trọng hơn những mốc cụ thể như vậy.

"Sức nặng" của Trung Quốc và Nhật Bản thể hiện rõ ở ảnh hưởng của hai nền kinh tế và các mối quan hệ thương mại của họ. Theo một tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc, quốc gia tỷ dân đã là đối tác thương mại lớn nhất của các quốc gia Đông Nam Á trong 13 năm liên tiếp. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, là nước xuất khẩu vốn và tín dụng lớn.

Quảng cáo

Sức mạnh của Trung Quốc và Nhật Bản thậm chí còn rõ rệt hơn trên thị trường tài chính. Theo phân tích của công ty quản lý tài sản BNY Mellon Investment Management, đồng NDT chiếm hơn 25% trong tỷ trọng của các chỉ số tiền tệ châu Á. Đồng yen cũng là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ ba trên toàn cầu. Do đó, sự yếu đi của đồng nội tệ Nhật Bản đã có tác động lớn đến các đồng tiền châu Á.

Ông Taimur Baig, nhà kinh tế trưởng tại tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng DBS Group, nhận định so với lãi suất, rủi ro tiền tệ là mối đe dọa lớn hơn đối với các quốc gia châu Á vì họ đều là những nước xuất khẩu. Tình cảnh năm 1997 hoặc 1998 có thể tái diễn, nhưng sẽ không đi cùng những thiệt hại lớn về tài sản thế chấp.

Rủi ro quá lớn

Sự sụt giá của đồng nội tệ của hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực có thể bùng phát thành một cuộc khủng hoảng toàn diện, nếu nó khiến các quỹ ở nước ngoài có xu hướng rút tiền khỏi khu vực châu Á, dẫn đến tình trạng "thoái vốn ồ ạt.

Ngoài ra, sự sụt giảm có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn của các biện pháp phá giá để tăng khả năng cạnh tranh, trong khi tăng thêm sự suy yếu về nhu cầu và niềm tin của người tiêu dùng.

Ông Aninda Mitra, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư và vĩ mô khu vực châu Á tại BNY Mellon Investment Management, cho biết sự sụt giảm nhanh chóng của đồng NDT và đồng yen có thể gây thêm nhiều rắc rối cho phần còn lại của khu vực.

Các nhà đầu tư đã đẩy mạnh rút tiền đầu tư khỏi châu Á. Theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg tổng hợp, các quỹ đầu tư toàn cầu đã rút khoảng 44 tỷ USD từ cổ phiếu của Đài Loan (Trung Quốc) trong năm nay, 20 tỷ USD từ cổ phiếu của Ấn Độ và 13,7 tỷ USD từ cổ phiếu của Hàn Quốc. Thị trường trái phiếu của Indonesia cũng đã mất 8,2 USD khi dòng vốn “chảy máu”.

Ở chiều ngược lại, cũng không có gì đảm bảo việc hai đồng tiền trên trượt giá thêm nữa sẽ gây ra nhiều biến động tài chính. So với thập niên 1990, “sức khỏe” tài chính của các nước châu Á hiện ổn định hơn nhiều. Lượng dự trữ ngoại hối của các nước này cũng khá lớn và họ ít vay bằng đồng USD hơn.

Dù vậy, rủi ro vẫn luôn hiện hữu. Chiến lược gia Trang Thuy Le tại tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu Macquarie Capital nhận định các đồng tiền dễ bị tổn thương nhất sẽ thuộc về những nước đang thâm hụt tài khoản vãng lai, như đồng won Hàn Quốc, peso Philippines và baht Thái.

Nếu cả đồng yen và NDT cùng giảm giá, sức ép sẽ chuyển thành hoạt động mua vào USD trong khi những người đầu tư nhiều vào đồng tiền của các thị trường mới nổi sẽ có nhu cầu phòng hộ khá lớn.

Theo Báo Tin tức Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Đồng euro yếu - công cụ để châu Âu ứng phó với thuế quan mới của Mỹ?

Nếu đồng euro yếu hơn, giảm xuống ngang giá với đồng USD, sẽ làm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc Mỹ có thể áp các mức thuế mới đối với hàng hóa của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đồng euro thắng thế trên thị trường tiền tệ toàn cầu Trung Quốc trở lại thị trường nợ với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro

Thế kẹt của kinh tế châu Âu

Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ. Nhiều người hy vọng rằng những nỗ lực mới đây của Trung Quốc trong việc tăng chi tiêu công có thể phục hồi tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ giảm điểm trong phiên 23/10 14 triệu lao động, 7% GDP và toàn ngành ô tô Châu Âu đang lao đao trước cơn bão xe điện Trung Quốc