Ảnh minh họa
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới gần như không đổi so với rạng sáng qua với vàng giao ngay giảm 2,9 USD, tương đương 0,1% xuống 2.325,5 USD/ounce.
Thị trường vàng thế giới không tìm thấy động lực mới và duy trì ổn định trong phiên giao dịch cuối của tuần khi dữ liệu lạm phát mới nhất không đưa ra định hướng rõ ràng nào cho chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi (loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) đã tăng 0,1% vào tháng trước. Dữ liệu mới công bố phù hợp với kỳ vọng.
Biểu đồ Kitco
Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, dữ liệu mới nhất không tạo ra bất ngờ nào trên thị trường. Họ kỳ vọng Fed sẽ duy trì lập trường chính sách tiền tệ tích cực của mình vì lạm phát vẫn còn chưa giảm đúng kỳ vọng. Các chuyên gia cũng cho rằng, các nhà hoạch định chính sách hiện tại vẫn chưa vội đưa ra quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ cho đến khi chắc chắn rằng, lạm phát đang giảm về mức mục tiêu.
Hiện tại, thị trường đang đặt cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và tiếp tục cắt giảm vào tháng 12. Theo công cụ FedWatch CME, các nhà giao dịch đang định giá khoảng 68% khả năng lãi suất sẽ giảm vào tháng 9, so với mức 64% trước khi dữ liệu lạm phát được công bố.
Mặc dù thị trường đang ổn định, nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng vàng vẫn có xu hướng tăng mạnh miễn là giá duy trì ở mức hỗ trợ trên 2.300 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 28/6, giá vàng miếng SJC đã ghi nhận ba tuần liên tiếp duy trì ở mức 76,98 triệu đồng/lượng, khi Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh giá bán.
Các thương hiệu như SJC, DOJI, PNJ đều niêm yết giá mua vào - bán ra ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng, với biên độ chênh lệch 2 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, giá vàng nhẫn có sự thay đổi, tăng 100.000-350.000 đồng/lượng tại một số thương hiệu. Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn 9999 của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết ở mức 73,9 - 75,5 triệu đồng/lượng.