Ảnh minh họa
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đảo chiều tăng nhẹ với vàng giao ngay tăng 12,1 USD lên 2.330,4 USD/ounce.
Kim loại màu vàng thế giới đã có được mức tăng khiêm tốn khi báo cáo mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ yếu hơn dự kiến. Dữ liệu kinh tế đáng thất vọng đã củng cố hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất trong năm nay, điều này đã gây áp lực lên đồng USD và đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc xuống thấp.
Theo Cục Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này đã tăng 0,1% trong tháng trước. Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy, các nhà kinh tế được đã dự báo mức tăng 0,3% trong tháng 5.
Đầu năm nay, bất chấp các cơn gió ngược truyền thống như đồng USD mạnh và lãi suất cao, giá vàng đã chạm mốc cao kỷ lục mọi thời đại ở mức 2.449,89 USD/ounce vào ngày 20/5. Tuy nhiên, kim loại quý này đã mất đi 6% kể từ đó do chịu tác động bởi các dữ liệu kinh tế mạnh và kỳ vọng lãi suất thay đổi. Mới đây nhất, vàng đã “lao dốc” khi thị trường đón nhận thông tin rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã dừng bổ sung vàng trong tháng 5, cắt đứt chuỗi 18 tháng mua vàng.
Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn lạc quan rằng, việc Trung Quốc không mua vàng trong tháng 5 chỉ là tạm thời và không đáng lo ngại. Mới đây, Hội đồng Vàng Thế giới đã tiến hành khảo sát hằng năm về nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương, hầu hết các ngân hàng đều cho biết họ kỳ vọng dự trữ vàng của mình sẽ tăng trong vòng 12 tháng tới.
Ở thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 18/6, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng mua vào ở mức 74,98 triệu đồng/lượng, giá bán ra là 76,98 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở cả chiều mua vào và bán ra so với mở cửa phiên giao dịch cùng ngày. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC hiện ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Các ngân hàng Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV đang bán vàng miếng với giá 76,98 triệu đồng/lượng.
Liên quan đến quản lý thị trường vàng, chiều 18/6, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Tài chính, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh vàng luôn chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Hiện nay, các cửa hàng kinh doanh vàng đều phải chấp hành nghĩa vụ đóng thuế.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng.
Bên cạnh tăng cường quản lý về thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, Bộ Tài chính đang đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng để minh bạch hóa hoạt động giao dịch vàng.
Vừa qua, trước những biến động của thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thanh tra hoạt động kinh doanh tại thị trường này. Ông Đặng Ngọc Minh cho hay, cơ quan thuế đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quá trình thanh tra.
Hiện nay, cả nước có 12.500 doanh nghiệp, cá nhân và hơn 5.500 hộ cá nhân mua bán, chế tác, gia công vàng bạc, đá quý; trong đó có 38 doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng SJC. Cơ quan thuế cử cán bộ tham gia thanh tra, khai thác số liệu nộp thuế, áp dụng hóa đơn điện tử đối với 16 đơn vị kinh doanh vàng SJC. Hiện quá trình thanh tra vẫn đang được tiến hành.
Bổ sung thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc đánh thuế với giao dịch vàng không chỉ tác động trực tiếp lên các đối tượng giao dịch mà còn tác động đến nhiều vấn đề khác.
Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đánh giá tác động đối với đề xuất này rồi báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định áp dụng nếu thấy hợp lý.