Giá dầu tăng gần 3USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba bởi kỳ vọng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và liên minh hay còn gọi là OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng và đồng USD yếu khiến cho việc mua dầu trở nên đỡ đắt đỏ hơn.
OPEC+ nhiều khả năng sẽ giảm mạnh sản lượng khi họ có cuộc họp vào ngày thứ Tư. Động thái này sẽ làm suy giảm nguồn cung trên thị trường năng lượng mà các nhà điều hành doanh nghiệp năng lượng và chuyên gia phân tích khẳng định vốn đã thiếu hụt bởi nhu cầu tăng cao, đầu tư suy giảm và hiện đang có quá nhiều vấn đề về nguồn cung.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai ở mức 91,80USD/thùng, tăng 2,94USD/thùng tương đương 3,3% trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đóng cửa tăng 2,89USD/thùng tương đương 3,5% lên 86,52USD/thùng.
Nhiều nguồn tin từ OPEC+ trong đó có Nga hiện đang nói về khả năng cắt giảm sản lượng trên 1 triệu thùng dầu/ngày. Giá dầu tăng sau khi Bloomberg đưa tin OPEC+ có thể giảm sản lượng đến 2 triệu thùng dầu/ngày.
“Chúng tôi cho rằng sẽ có những đợt cắt giảm sản lượng mạnh tay, điều này không chỉ giúp cải thiện các yếu tố căn bản của thị trường mà thậm chí còn phát đi tín hiệu quan trọng”, Fitch Solutions phân tích.
OPEC+ đã tăng sản lượng trong năm nay sau khi giảm sản lượng mạnh tay trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã làm cho nhu cầu suy giảm nghiêm trọng.
Những tháng gần đây, OPEC+ đã không thực hiện được việc nâng sản lượng như mục tiêu, riêng trong tháng 8/2022 sản lượng đã giảm đến 3,6 triệu thùng dầu/ngày.
Việc giảm quy mô sản xuất hoàn toàn phù hợp với việc giá dầu đã giảm rất mạnh sau khi lập những mức đỉnh trong thời gian vừa qua, Goldman Sachs nhấn mạnh.
Một yếu tố khác quan trọng hỗ trợ cho giá dầu chính là việc đồng USD hướng đến 5 ngày giảm giá so với giỏ tiền tệ bởi nhiều nhà đầu tư dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có thể hãm tốc độ nâng lãi suất cơ bản đồng USD.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, hiện đang có sự hỗ trợ từ đồng USD yếu và khả năng Fed sẽ chuyển hướng định hướng chính sách tiền tệ”, trưởng bộ phận kinh doanh các sản phẩm năng lượng tại Mizuho ở New York – ông Bog Yawger phân tích.
Khả năng Fed nới lỏng tốc độ nâng lãi suất sẽ giúp làm giảm đi những nỗi lo về khả năng suy thoái kinh tế có thể làm sụt giảm nhu cầu dầu thô.
Trong khi đó, quan chức Bộ Tài chính Mỹ khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt của G7 với Nga sẽ được áp dụng theo ba giai đoạn, ban đầu nhắm đến dầu Nga, sau đó đến sản phẩm dầu diesel và cuối cùng đến các sản phẩm giá trị gia tăng thấp.
Ngân hàng UBS dự báo có một số yếu tố có thể đẩy cao giá dầu thô trong thời điểm từ nay đến cuối năm 2022 bao gồm nhu cầu của Trung Quốc hồi phục, OPEC+ giảm nguồn cung, chương trình xả kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ (SPR) chấm dứt và việc EU cấm xuất khẩu dầu thô của Nga.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dầu trong hội nghị dầu thô châu Âu tại Geneva mới đây khẳng định các yếu tố bất lợi về kinh tế chưa gây ra sự suy giảm nhu cầu dầu.