Giá dầu tăng vọt bởi nỗi lo về nguồn cung

Một yếu tố quan trọng khác hỗ trợ cho giá dầu thô chính là đồng USD Mỹ rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong 2 tuần sau khi dữ liệu công bố cho thấy tăng trưởng việc làm Mỹ thấp hơn so với kỳ vọng.

Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu tăng hơn 3% lên ngưỡng cao nhất trong 9 tuần, những nỗi lo về nguồn cung và hoạt động mua kỹ thuật tăng cao lấn át đi nỗi sợ về khả năng các đợt nâng lãi suất cơ bản của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có thể hãm phanh tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu, theo nội dung bài báo mới được CNBC đăng tải.

Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 1,95USD/thùng tương đương 2,6% lên 78,47USD/thùng trên thị trường London. Còn trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 2,06USD/thùng tương đương 2,9% lên 73,86USD/thùng.

Đây là ngưỡng đóng cửa cao nhất của giá dầu Brent tính từ ngày 1/5/2023 và dầu WTI tính từ ngày 24/5/2023. Cả hai loại giá dầu chốt lại tuần giao dịch tăng khoảng 5%.

Sau khoảng hai tháng giao dịch trong khoảng từ 73 đến 77USD/thùng, dầu Brent đã rơi vào trạng thái quá bán lần đầu tiên tính từ tháng 4/2023.

Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại quỹ OANDA, ông Craig Erlam, phân tích: “Đợt tăng giá của dầu trong tuần vừa qua diễn ra rất mạnh và được ủng hộ bởi nhiều yếu tố, trong đó có các động thái cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga”.

Trong tuần này, các nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới bao gồm Saudi Arabia và Nga thông báo cắt giảm sản lượng. Tổng mức cắt giảm sản lượng của nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và liên minh hiện ước tính khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày tức tương đương khoảng 5% tổng nhu cầu dầu toàn cầu.

“Các đợt cắt giảm sản lượng của OPEC+ nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến thị trường, làm gia tăng thâm hụt nguồn cung trong nửa sau năm 2023 và vì vậy hỗ trợ đẩy giá dầu tăng cao hơn”, các chuyên gia phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Morning Star nhấn mạnh trong nghiên cứu của mình.

OPEC nhiều khả năng duy trì quan điểm lạc quan về tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm sau, theo những nguồn tin thân cận với OPEC cho hay.

Cam kết mới nhất của Nga liên quan đến giảm xuất khẩu dầu sẽ không đồng nghĩa với việc cắt giảm sản lượng.

Theo tính toán của công ty dữ liệu năng lượng Vortexa, hiện tại đang có ước tính khoảng 10,5 triệu thùng dầu thô của Saudi Arabia hiện đang được trữ ở cảng Ain Sukhna thuộc khu vực Biển Đỏ của Ai Cập, con số này như vậy giảm một nửa so với thời điểm giữa tháng 6/2023.

Quảng cáo

Tại Mỹ, trong tuần vừa rồi, các doanh nghiệp năng lượng đưa vào hoạt động các mỏ khai thác dầu và khí đốt lần đầu tiên trong 10 tuần. Số lượng các giàn khai thác khí đốt tăng mạnh nhất tính từ tháng 10/2016, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.

Tại Nauy, công ty Equinor ASA đã tạm ngưng sản xuất tại giếng dầu Oseberg East khu vực Biển Bắc do tình trạng thiếu nhân lực.

Một yếu tố quan trọng khác hỗ trợ cho giá dầu thô chính là đồng USD Mỹ rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong 2 tuần sau khi dữ liệu công bố cho thấy tăng trưởng việc làm Mỹ thấp hơn so với kỳ vọng tuy nhiên vẫn đủ mạnh để có thể khiến cho Fed nối lại việc nâng lãi suất ngay trong tháng này như thông điệp đã được đưa ra từ trước đó.

Đồng USD yếu thường giúp đẩy tăng nhu cầu với dầu của nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, nhu cầu dầu vì vậy cải thiện.

Trong cuộc họp bàn về định hướng chính sách tiền tệ vào tháng 6/2023, gần như phần lớn các quan chức thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi thông điệp rằng việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ là điều hoàn toàn cần thiết, tuy nhiên ở tốc độ chậm hơn so với mức tăng của lãi suất vốn đã phổ biến từ đầu năm 2022, theo biên bản cuộc họp vào ngày thứ Tư.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ đã không nâng lãi suất trong lần họp mới đây bởi lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế dù rằng phần lớn các thành viên nghĩ rằng sẽ vẫn còn thêm các đợt điều chỉnh lãi suất khác.

Nói đến hiệu ứng độ trễ của chính sách và nhiều mối lo khác, họ nhìn thấy dư địa để có thể không cần nâng lãi suất trong tháng 6/2023 sau 10 lần điều chỉnh lãi suất liên tiếp.

Theo giới chức quản lý Mỹ, việc không thay đổi lãi suất mục tiêu ở cuộc họp lần vừa rồi sẽ giúp họ có thêm thời gian nhằm đánh giá diễn biến của nền kinh tế dưới tác động của những lần điều chỉnh lãi suất trước đây, đồng thời là cân đối với mục tiêu tối đa hóa việc làm cũng như ổn định giá cả.

Nhiều thành viên thuộc Ủy ban Thị trường Mở thuộc Fed (FOMC) đã thể hiện quan điểm băn khoăn về nhiều vấn đề.

Họ nói rằng việc hãm phanh chính sách tiền tệ sẽ giúp cho FOMC có thêm thời gian đánh giá tác động của những lần nâng lãi suất. Lãi suất cơ bản đồng USD hiện ở mức khoảng 5 điểm phần trăm, ngưỡng cao nhất tính từ đầu thập niên 1980.

“Kinh tế hiện đang đương đầu với những thách thức từ điều kiện tín dụng thắt chặt, trong đó phải nói đến lãi suất cao của các hộ gia đình và doanh nghiệp, những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động, tuyển dụng và lạm phát dù rằng mức độ ảnh hưởng chưa rõ ràng”, biên bản cuộc họp nhấn mạnh.

Quyết định chính sách tiền tệ nhận được đồng thuận bởi xét đến ảnh hưởng dồn tích từ chính sách tiền tệ và độ trễ của nó lên hoạt động kinh tế và lạm phát.

Theo Lao động & Công đoàn Sao chép

Cùng chuyên mục Kinh doanh quốc tế

Thị trường bất động sản Trung Quốc suy yếu khiến giá đồng và sắt lao dốc

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá nhà mới tại 70 thành phố đã giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 7/2024, sau khi giảm 4,5% trong tháng trước đó.

Goldman Sachs nhận định gì về ngành bất động sản Trung Quốc trong những năm tới? Lối thoát nào cho thị trường bất động sản Trung Quốc?