Saudi Arabia và Nga, hai nước xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới, tăng cường giảm sản lượng trong ngày thứ Hai. Giá dầu vì vậy bị đẩy lên cao bất chấp những lo lắng về kịch bản kinh tế toàn cầu tăng trưởng chững lại và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm, theo nội dung bài báo mới được Reuters đăng tải.
Nhóm OPEC+ bao gồm các nước sản xuất dầu và liên minh dẫn đầu bởi Nga hiện nay đã cắt giảm nguồn cung để đẩy giá tăng lên. Nguyên nhân chính bởi nhu cầu Trung Quốc yếu đi và nguồn cung tại Mỹ cao lên đã không thể đẩy tăng giá dầu lên ngưỡng 70-80USD/thùng.
Saudi Arabia công bố sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng tự nguyện ước tính khoảng 1 triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa tính từ tháng 8/2023, đồng thời khẳng định thêm rằng việc cắt giảm sản lượng này có thể được kéo dài hơn nữa.
Không lâu sau thông báo của Saudi Arabia, phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Moscow cũng sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu thêm ước tính 500.000 thùng/ngày trong tháng 8/2023.
Mức độ cắt giảm này tương đương khoảng 1,5% nguồn cung toàn cầu, nó nâng tổng mức cam kết sản lượng cắt giảm của OPEC+ lên 5,16 triệu thùng dầu/ngày.
Vào cuối ngày thứ Hai, Algeria cho biết sẽ cắt giảm sản lượng thêm 20.000 thùng dầu/ngày từ ngày 1 đến 31/8/2023 nhằm hỗ trợ cho những nỗ lực của Nga và Saudi Arabia trong việc cân bằng lại thị trường dầu, Bộ trưởng Năng lượng nước này cho hay.
Quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện này được thực hiện sau khi Algeria công bố giảm sản lượng ước tính 48.000 thùng trong tháng 4/2023.
Bộ trưởng Năng lượng Libya – ông Mohamed Oun nói nước ông chào đón quyết định của Saudi Arabia, đồng thời tin nó sẽ có những tác động tích cực lên cân bằng giữa các nhà sản xuất, người tiêu dùng và lên kinh tế toàn cầu.
OPEC+, nhóm nước cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới, hiện tại đang cắt giảm sản lượng 3,66 triệu thùng dầu/ngày tức tương đương khoảng 3,6% tổng nhu cầu toàn cầu, trong đó phải kể đến 2 triệu thùng dầu/ngày đã được đồng thuận vào năm ngoái. Trước đó vào tháng 4/2023, OPEC+ cắt giảm sản lượng ước tính 1,66 triệu thùng dầu/ngày.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 0,6% tương đương 43 cent lên 75,84USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai tăng 0,6% tương đương 39 cent lên 71,03USD/thùng.
Vào đầu tháng này, Saudi Arabia, nước nắm quyền lãnh đạo trong OPEC, đã cam kết sẽ giảm sâu sản lượng trong tháng 7/2023.
Tại Mỹ, niềm tin người tiêu dùng tháng 6/2023 tăng lên ngưỡng cao nhất trong hơn 1 năm rưỡi bởi những lạc quan về thị trường lao động.
Tuy nhiên, số liệu kinh tế lạc quan phát đi thông điệp cho thấy rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ tiếp tục nâng lãi suất để làm giảm nhu cầu trong nền kinh tế nói chung. Fed đã nâng lãi suất cơ bản đồng USD ước tính khoảng 500 điểm cơ bản tính từ tháng 3/2022, đồng thời cũng nói đến khả năng sẽ có thêm 2 lần nâng lãi suất khác trong năm nay.
Dữ liệu về hàng tồn kho từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) vào tuần trước cho thấy dự trữ dầu thô và xăng tại Mỹ tăng trong tuần vừa qua, theo nhiều nguồn tin thị trường.
Dự trữ dầu thô hạ khoảng 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 23/6/2023, theo nhiều nguồn tin. Dự trữ xăng hạ 2,9 triệu thùng trong cùng thời gian trên.
Rủi ro lạm phát kéo dài đã tăng cao hơn bất chấp việc giá cả hàng hóa tại nhiều khu vực trên thế giới sụt giảm, theo chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) – ông Claudio Borio nói với nhật báo Đức FAZ vào ngày thứ Hai.
Theo Bloomberg, những thành công ban đầu trong kiềm chế lạm phát giờ đã khó được lặp lại, ông Borio nói. Ông khẳng định thêm rằng lạm phát lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng có nhiều biến động, hiện đang ở ngưỡng cao dai dẳng và ổn định ở ngưỡng cao, thậm chí tăng lên. Chuyên gia kinh tế này khẳng định với FAZ rằng giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống lạm phát khó khăn hơn và cần đến tất cả những nỗ lực.
Một trong những lý do quan trọng chính là nhiều người điều chỉnh hành vi của mình để thích ứng lạm phát cao khi lạm phát kéo dài. Thực tế này ảnh hưởng nhiều đến mối liên kết giữa giá cả và mức lương cao, ông Borio phân tích.
Trong tình huống hiện tại, chính phủ các nước cần đưa ra biện pháp giảm tác động của lạm phát lên người dân và đưa lạm phát trở lại ngưỡng kiểm soát. Chi tiêu công thấp hơn sẽ làm giảm áp lực lên tổng cầu và vì vậy sẽ giúp các ngân hàng trung ương đương đầu với lạm phát, ông Borio nói.
Lạm phát tại Mỹ tháng 5/2023 hạ nhiệt xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm, yếu tố này nhiều khả năng sẽ làm giảm áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc phải tiếp tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, theo nội dung bài báo mới được CNBC đăng tải.
Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tháng 5/2023, chỉ số đo lường diễn biến giá cả hàng hóa dịch vụ, tăng chỉ 0,1% trong tháng gần nhất. Như vậy lạm phát Mỹ tháng 5/2023 chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn nhiều so với con số 4,9% của tháng 4/2023.