Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1 của Nhật Bản giảm 2% so với quý trước đó, đánh dấu mức giảm đầu tiên trong hai quý trong bối cảnh tiêu dùng trì trệ, theo số liệu của chính phủ công bố hôm thứ Năm.
Mức giảm này cao hơn mức dự báo 1,5% của các nhà kinh tế được QUICK và Reuters khảo sát.
So với cùng kỳ năm trước, GDP Nhật Bản giảm 0,5% trong quý 1, cao hơn so với mức dự báo 0,4%.
Tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật Bản, giảm 2,7% so với quý 4/2023 và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự đoán 0,2%. Đây là quý thứ 4 liên tiếp tiêu dùng sụt giảm – chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2009, do lạm phát vượt xa tốc độ tăng lương. Dữ liệu trước đó của chính phủ cho thấy tiền lương thực tế đã giảm so với cùng kỳ trong quý 1/2024. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi, không bao gồm thực phẩm, đạt mức 2,5% trong 3 tháng đầu năm.
Trong khi đó, đầu tư doanh nghiệp giảm 3,2%. Xuất khẩu giảm 18,7%, còn nhập khẩu cũng giảm 12,8% dẫn đến xuất khẩu ròng giảm.
Các nhà hoạch định chính sách đang kỳ vọng rằng việc tăng lương và cắt giảm thuế thu nhập từ tháng 6 sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc đồng yên chạm đáy trong 34 năm vào tháng trước cũng làm dấy lên mối lo ngại về chi phí sinh hoạt cao hơn và áp lực tiêu dùng.
Vào tháng 3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ năm 2007 và chính thức thoát khỏi lãi suất âm. Nhưng trong bối cảnh kinh tế vẫn mong manh, BOJ được cho là sẽ tiếp tục trì hoãn việc tăng lãi suất.
Theo Nikkei, Reuters