Ngày 2/12, các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Australia và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga, nhằm hạn chế nguồn thu nhập từ năng lượng của Nga.
Mức trần này có hiệu lực vào ngày 5/12, cùng ngày EU sẽ áp đặt tẩy chay đối với hầu hết dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển.
Theo giới quan sát, các biện pháp song hành trên có thể dẫn tới những bất ổn đối với giá dầu thế giới, khi thị trường vừa lo ngại về nguồn cung bị mất đi vừa phải thận trọng quan sát khả năng nhu cầu năng lượng thấp hơn do tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Hai lệnh trừng phạt song hành
Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới. Nếu không có giới hạn giá trần của G7 và EU, Nga hoàn toàn có thể tìm được khách mua mới với giá thị trường.
Với biện pháp áp giá trần, các công ty bảo hiểm và các công ty vận chuyển sẽ chỉ có thể giao dịch với dầu thô của Nga nếu chúng được định giá bằng hoặc thấp hơn mức trần 60 USD/thùng.
Các quốc gia G7 - gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ - cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho 90% hàng hóa trên thế giới, trong khi EU là một bên quan trọng trên thị trường vận tải đường biển. Điều này có nghĩa là các nước trên có thể chuyển mức giá trần cho phần lớn khách hàng của Nga trên khắp thế giới, tạo ra mức trần giá đáng tin cậy.
Thị trường vẫn có một giai đoạn chuyển tiếp và mức trần sẽ không áp dụng đối với các thùng dầu được chất lên tàu trước ngày 5/12. Dự kiến một mức trần nữa đối với các sản phẩm dầu sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2/2023.
Mức giá giới hạn sẽ được xem xét từ giữa tháng 1/2023 và sau đó hai tháng một lần, với khả năng sửa đổi theo biến động giá. Nguyên tắc là mức trần phải thấp hơn ít nhất 5% so với giá trung bình trên thị trường. Mọi sửa đổi cần có sự nhất trí của G7, Australia và EU.
Về phần mình, Nga đã cảnh báo nếu biện pháp áp giá trần được áp dụng, Nga sẽ trả đũa. Nhiều khả năng nước này sẽ cắt nốt lượng khí đốt còn lại đang xuất khẩu sang châu Âu qua đường ống, vào thời điểm khu vực này đối mặt mùa Đông nhiều khó khăn với cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như chi phí sinh hoạt tăng cao chưa kết thúc.
Những tranh luận về tính hiệu quả
Các bể chứa dầu tại cơ sở lọc dầu Novokuibyshevsk của Nga. Ảnh: TASS/TTXVN
Ông Simone Tagliapietra, chuyên gia chính sách năng lượng tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, Bỉ cho biết mức trần 60 USD/thùng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của Nga. Chuyên gia này chỉ ra mức trên vốn đã khá gần mức giao dịch hiện thời của dầu Nga là quanh 65 USD/thùng.
Dầu Urals của Nga đang được bán với mức chiết khấu đáng kể so với dầu Brent chuẩn quốc tế. Loại dầu này đã giảm xuống dưới 60 USD/thùng lần đầu tiên sau nhiều tháng trong tuần trước do lo ngại nhu cầu giảm từ Trung Quốc liên quan đến các đợt bùng phát dịch COVID-19.
Theo ông Tagliapietra, nếu mức trần xuống tới 50 USD/thùng, nguồn thu từ năng lượng của Nga sẽ bị hạn chế. Chính phủ Nga cũng sẽ khó cân bằng ngân sách nhà nước do Nga cần giá dầu trong khoảng 60-70 USD/thùng để đạt được điều đó.
Tuy nhiên, mức giới hạn 50 USD/thùng vẫn cao hơn chi phí sản xuất của Nga là khoảng từ 30-40 USD/thùng. Điều này vẫn tạo động lực để Nga tiếp tục bán dầu dù mục đích đơn giản để tránh phải đóng các giếng vẫn rất khó mở lại.
Ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ở Washington, Mỹ từng nhận định rằng mức trần 30 USD/thùng sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính thực sự cho Nga.
Tuy nhiên, những tranh cãi và bất đồng trong nội khối EU vào giai đoạn đàm phán về mức trần giá cho thấy rất ít quốc gia chấp nhận được mức giá trên. Bà Maria Shagina, một chuyên gia tại Viện Chiến lược Quốc tế ở Berlin, Đức cho biết tranh cãi về mức giá giới hạn cho thấy sự bất đồng về mục tiêu mỗi nước theo đuổi: Làm tổn hại đến nền tảng tài chính của Nga hay kiềm chế lạm phát. Ngoài khối EU, quyết định của Mỹ rõ ràng đứng về phía kiểm soát tăng giá khi lạm phát của nước này vẫn khá cao.
Bà Shagina nói rằng về tổng thể, mức 60 USD/thùng vẫn tốt hơn là không có sự đồng thuận nào. Các nước vẫn có thể sửa đổi mức trần đó trong giai đoạn sau để phản ánh các điều kiện biến động trên thị trường.
Trong khi đó, giới quan sát cảnh báo việc thực thi lệnh các lệnh trừng phạt có thể khiến một lượng dầu thô đáng kể của Nga "bốc hơi" khỏi thị trường. Điều đó sẽ khiến giá dầu tăng vọt, các nền kinh tế phương Tây chịu nhiều ảnh hưởng, trong khi nguồn thu từ dầu của Nga vẫn có thể tăng từ bất cứ đơn hàng nào nước này vận chuyển đi bất chấp lệnh cấm vận.
Các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết, lệnh cấm vận và áp trần giá nêu trên có thể dẫn đến sự thắt chặt đáng kể trên thị trường dầu mỏ vào đầu năm 2023. Ngân hàng này dự kiến giá dầu Brent chuẩn quốc tế sẽ tăng trở lại mức 95 USD/thùng trong những tuần tới.
Tác động lớn nhất từ lệnh cấm vận của EU có thể không đến ngay vào thứ Hai mà là vào ngày 5/2, khi lệnh cấm bổ sung của châu Âu đối với các sản phẩm tinh chế từ dầu - chẳng hạn như nhiên liệu diesel - có hiệu lực.
Châu Âu vẫn có nhiều một số lượng đáng kể phương tiện chạy bằng dầu diesel, đáng chú ý nhất là các xe tải có nhiệm vụ vận chuyển nhiều loại hàng hóa cho người tiêu dùng bên cạnh các máy móc nông nghiệp. Vì vậy, những chi phí cao hơn đó sẽ lan tỏa khắp nền kinh tế.