Theo hãng tin AP, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia đã gia nhập cùng EU trong nỗ lực áp giá trần 60 USD/thùng với dầu của Nga, một bước đi quan trọng của phương Tây nhằm sắp xếp lại thị trường dầu mỏ toàn cầu và cản trở dòng tiền của Moskva, được cho là phục vụ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo đó, G7 và EU ngày 2/12 đã đồng ý áp mức giá trần 60 USD mỗi thùng đối với dầu của Nga trong nỗ lực cản trở cung cấp nguồn tài chính cho Điện Kremlin.
Châu Âu đã kịp nhất trí ấn định mức giá trần mà các quốc gia khác trả cho dầu của Nga trước thời hạn 5/12, khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga cũng như lệnh cấm bảo hiểm đối với những nguồn cung cấp đó có hiệu lực. Lệnh cấm vận sẽ ngăn chặn các chuyến hàng vận chuyển dầu thô Nga bằng tàu chở dầu tới EU, vốn chiếm 2/3 lượng hàng nhập khẩu, có khả năng tước đi hàng tỷ euro ngân quỹ của Nga, mà phương Tây cho là sử dụng cho xung đột ở Ukraine.
"G7 và Australia... đã đạt được sự đồng thuận về mức giá tối đa 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển có nguồn gốc từ Nga", G7 cho biết trong một tuyên bố.
Tuyên bố cũng cho biết G7 đang thực hiện lời cam kết "ngăn chặn Nga thu lợi từ cuộc xung đột ở Ukraine, hỗ trợ sự ổn định trên thị trường năng lượng toàn cầu và giảm thiểu tác động kinh tế tiêu cực do cuộc chiến gây ra".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố rằng thỏa thuận trên sẽ giúp hạn chế "nguồn thu nhập chính của Putin cho cuộc chiến bất hợp pháp ở Ukraine đồng thời duy trì sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu."
Thỏa thuận được đưa ra sau một loạt các cuộc đàm phán vào phút cuối. Ba Lan từ lâu đã ủng hộ một thỏa thuận của EU, tìm cách đặt mức trần càng thấp càng tốt. Sau hơn 24 giờ cân nhắc, khi các quốc gia EU khác đã báo hiệu rằng họ sẽ ủng hộ thỏa thuận, Warsaw cuối cùng đã nhượng bộ vào cuối ngày 2/12.
Một tuyên bố chung của liên minh G-7 được đưa ra cùng ngày nói rằng nhóm này “sẵn sàng xem xét và điều chỉnh mức giá tối đa khi thích hợp”, có tính đến sự phát triển của thị trường và các tác động tiềm tàng đối với các thành viên liên minh cũng như các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
“Làm tê liệt doanh thu năng lượng của Nga là cốt lõi của việc ngăn chặn cỗ máy chiến tranh của Nga", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết, đồng thời nói thêm rằng bà rất vui khi mức giới hạn được giảm thêm vài đô la so với các đề xuất trước đó. Theo nữ Thủ tướng Estonia, cứ mỗi đô la giới hạn được giảm xuống, thì Nga sẽ giảm thu 2 tỉ USD.
“Không có gì bí mật khi chúng tôi muốn giá thấp hơn", Thủ tướng Kallas nói thêm, nhấn mạnh sự khác biệt trong EU, “Mức giá từ 30-40 USD sẽ gây tổn hại đáng kể cho Nga. Tuy nhiên, đây là sự thỏa hiệp tốt nhất mà chúng tôi có thể nhận được.”
Ảnh hưởng từ việc áp giá trần dầu
Tuy nhiên, mức trần 60 USD/thùng gần với giá dầu thô hiện tại của Nga, gần đây đã giảm xuống dưới 60 USD một thùng. Một số người chỉ trích rằng mức đó không đủ thấp để cắt giảm một trong những nguồn thu nhập chính của Nga. Mặc dù vậy, đây vẫn là một mức giá giảm nhiều so với dầu Brent chuẩn quốc tế, với giá 85,48 USD/thùng vào cùng ngày 2/12, nhưng có thể đủ cao để Moskva tiếp tục bán ra ngay cả khi bác bỏ giá trần.
Tàu chở dầu Nga gần Oslo, Na Uy vào ngày 25/4/2022. Ảnh:EPA-EFE
Rủi ro lớn đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu là mất đi một lượng lớn dầu thô từ nhà sản xuất số 2 thế giới. Nó có thể làm tăng giá xăng dầu đối với người lái xe trên toàn thế giới, điều này đã gây bất ổn chính trị cho Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo ở các quốc gia khác. Châu Âu đã sa lầy trong một cuộc khủng hoảng năng lượng, với việc các chính phủ phải đối mặt với các cuộc biểu tình về chi phí sinh hoạt tăng cao, trong khi các quốc gia đang phát triển còn dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi về chi phí năng lượng.
Nhưng phương Tây đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc nhắm mục tiêu vào một trong những nguồn thu tiền chính của Nga - dầu mỏ - để cắt giảm các khoản tiền phục vụ cho xung đột ở Ukraine và gây tổn hại cho nền kinh tế Nga. Giá dầu và khí đốt tự nhiên đã tăng vọt sau khi nhu cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19 và sau đó là cuộc xung đột khiến các thị trường năng lượng bất ổn, đã mang lại nguồn thu khổng lồ cho kho bạc Nga.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói với các phóng viên ngày 2/12 rằng “bản thân mức giá trần sẽ có tác dụng mong muốn trong việc hạn chế khả năng ông Putin thu lợi từ việc bán dầu và hạn chế khả năng tiếp tục sử dụng số tiền đó" cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, có nhiều điều không chắc chắn vẫn ở phía trước. Các hạn chế do COVID-19 ở Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại có thể đồng nghĩa với việc thế giới bớt khát dầu hơn. Đó là điều mà OPEC và các nước sản xuất dầu đồng minh, bao gồm cả Nga, đã chỉ ra khi quyết định cắt giảm nguồn cung cho thế giới vào tháng 10. Liên minh OPEC + dự kiến sẽ gặp lại vào ngày 4/12.
Xu hướng đó, cộng với việc lệnh cấm vận của EU có thể ngắt thêm nguồn cung dầu ra thị trường, đang làm dấy lên lo ngại về nguồn cung bị siết chặt và giá sẽ cao hơn.
Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tổng thống Putin đã nói rằng ông sẽ không bán dầu dưới giá trần và sẽ trả đũa các quốc gia thực hiện biện pháp này. Tuy nhiên, Nga đã định tuyến lại phần lớn nguồn cung của mình tới Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á khác với giá chiết khấu cao, vì khách hàng phương Tây đã tránh điều này ngay cả trước lệnh cấm vận của EU.
Nga cũng có thể bán dầu ngoài sổ sách bằng cách sử dụng các tàu chở dầu với quyền sở hữu không rõ ràng. Dầu có thể được chuyển từ tàu này sang tàu khác và trộn với dầu có chất lượng tương tự để che giấu nguồn gốc.
Ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế ở Washington, cho biết giá trần nên được thực hiện khi giá dầu dao động quanh mức 120 USD/thùng vào mùa hè này.
“Kể từ đó, rõ ràng giá dầu đã giảm và suy thoái toàn cầu là có thật. Thực tế là giá trần khó có thể ràng buộc với giá dầu hiện nay", ông Brooks bình luận.