Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết cơ quan này sẽ đưa ra một đề xuất viện trợ vào tháng 1/2023. EU đã lên tiếng "phàn nàn" về Đạo luật giảm phát (IRA) trị giá hàng tỷ USD của Mỹ, trong đó cung cấp các khoản trợ cấp và cắt giảm thuế cho những người mua xe điện ở Mỹ. EU coi hành động này là phân biệt đối xử đối với các nhà sản xuất ô tô châu Âu, vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là mối đe dọa đối với đầu tư vào châu Âu.
Để cạnh tranh và giữ các công ty công nghiệp lớn ở lại, nhiều nước châu Âu muốn các quy định về trợ cấp quốc gia được nới lỏng và thúc đẩy đầu tư công vào năng lượng sạch hơn nữa.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết các công ty châu Âu "cần trợ cấp theo cách tương tự như ở Mỹ và với mức độ tương tự, nếu không muốn có sự phân mảnh tại thị trường châu Âu".
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải có sự bảo vệ về “cơ sở kinh tế, công nghiệp và công nghệ của châu Âu và duy trì sân chơi bình đẳng trên thế giới”.
Các đề xuất sắp tới của EC cần xem xét huy động tất cả các công cụ liên quan của quốc gia và EU, cũng như cải thiện các điều kiện khung cho đầu tư, trong đó thông qua các thủ tục hành chính nhanh gọn hơn.
Tuy nhiên, một số nước châu Âu cho rằng không cần phải có một phản ứng mạnh tay. Thủ tướng Sanna Marin nói rằng Phần Lan chưa sẵn sàng cho các công cụ mới, đồng thời cho biết châu Âu cần đảm bảo rằng "khối này sẽ không tham gia vào một cuộc chiến thương mại không cần thiết với Mỹ".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ tin tưởng rằng EU có thể giành thắng lợi như Canada từng có được trong việc áp dụng các khoản trợ cấp của Mỹ, dù cho khối này không phải là một phần của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Thủ tướng Scholz cho biết thêm EU sẽ phải nhất trí về một khuôn khổ công bằng với Mỹ trong vài tuần tới và sau đó sẽ phải đưa ra các quy định để bảo vệ sự phát triển của các ngành công nghiệp trong khối.
Ông Macron và EC đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Mỹ Joe Biden thay đổi các phần gây tranh cãi của IRA, song chỉ nhận được lời hứa về một số “điều chỉnh”.
Về phần mình, Tổng thống Biden và chính quyền của ông tin rằng EU có thể tự do đưa ra thỏa thuận trợ cấp riêng cho xe điện, lĩnh vực mà Trung Quốc có lợi thế về pin và nguồn cung cấp đất hiếm.