Định vị thị trường
Sau một phiên bất ổn của thị trường chứng khoán châu Á, các phản ứng hồi phục nhanh chóng được ghi nhận với nhiều chỉ số tăng điểm mạnh. Nổi bật nhất là NIKKEI 225 (+10,23%) đã gỡ lại đáng kể điểm số sau khi đã giảm 12,5% trong ngày hôm qua. Các chỉ số TWSE (+3,38%), KOSPI (+3,3%), KLSE (+2,28%) cũng đều bật lên.
Nhà đầu tư Việt Nam đã hành động theo diễn biến khu vực nhưng với sự dè dặt trong phần lớn thời gian giao dịch do lo ngại lực bán giải chấp từ các CTCK vào khoảng thời gian đầu phiên sáng và đầu phiên chiều. Tuy nhiên, kịch bản này đã không xảy ra và VN-Index đã gỡ lại hơn 20 điểm khi đóng cửa.
Chất xúc tác
Diễn biến đáng chú ý nhất của Ngân hàng Nhà Nước trong ngày hôm qua là việc đã hạ mức lãi suất trên kênh cầm cố và tín phiếu xuống 4,25%. Theo đó NHNN đã chào thầu 14.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày và có 13.668,54 tỷ đồng trúng thầu.
Cùng với đó, có 3.250 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 4,25%. Tổng cộng, NHNN bơm ròng 9.357,06 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 76.900 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 32.722,79 tỷ đồng.
Động thái điều hành của NHNN diễn ra trong bối cảnh kỳ vọng FED hạ lãi suất trong tháng 9 đang áp đảo trên thị trường tài chính thế giới. Qua đó, cũng cho thấy quan điểm về chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn được cơ quan quản lý duy trì.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài ở phiên hôm nay còn tiếp tục bán ròng trên 700 tỷ đồng trên HOSE. Cụ thể, họ bán ròng 724 tỷ đồng với các mã VJC (-356 tỷ đồng), AGG (-115 tỷ đồng), FPT (-113 tỷ đồng), MWG (-111 tỷ đồng) đứng đầu.
Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu như VNM (+203 tỷ đồng), DGC (+50,75 tỷ đồng), MSN (+42,4 tỷ đồng), HVN (+38,13 tỷ đồng), LPB (+32 tỷ đồng) cũng nhận được tiền trong đó VNM đã được khối ngoại giải ngân 12 phiên liên tiếp.
Vận động thị trường
VNM với việc liên tục được khối ngoại giải ngân đã hỗ trợ tích cực cho thị trường từ phiên sáng nay. Mã này kết phiên tăng 4,8% lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 10/2023.
Trong khi đó, BCM (+5,2%), MSN (+3,8%) cũng hưởng lợi từ tiền ngoại nhưng chỉ tăng tốc từ sau phiên chiều. Các mã lớn khác như STB (+4,4%), GVR (+4,2%), POW (+3,4%), SSI (+3,4%), PLX (+3,3%), TPB (+3,3%) cũng bắt nhịp theo khá nhanh chóng. VN30 ghi nhận 28/30 mã tăng giá và đồng thời không có bất kỳ mã nào đóng cửa trong sắc đỏ.
Tín hiệu ở nhóm Midcap và Penny cũng chuyển biến tốt hơn trong đó đáng chú ý nhất là nhóm cổ phiếu Chứng khoán với sự hồi phục đồng loạt và trên diện rộng. BSI đã đóng cửa tại giá trần trong khi FTS, HCM, CTS, VCI đều tăng trên 5%. Một số mã như MBS và SHS trên HNX cũng tăng trên 3%.
Hiện không ít nhà đầu tư đang tham khảo những vận động của nhóm Chứng khoán để đánh giá về khả năng tạo đáy của thị trường chung. Nếu các cổ phiếu Chứng khoán có thể giữ được đà hồi phục, xác suất tạo đáy cũng dần trở nên có cơ sở.
Ngoài các cổ phiếu Chứng khoán, một số cổ phiếu như HVN (+6,57%), TCH (+6,75%), HSG (+4,75%), DGC (+4,74%), DPG (+4,71%) cũng thể hiện được sự nháy bén.
Tuy nhiên, với số đông các cổ phiếu còn lại biên độ hồi phục chủ yếu dưới 3% như PDR (+2,94%), HDG (+1,57%), NKG (+2,22%), GMD (+1,85%), SZC (+2,19%), NTL (+2,8%), VCG (+2,74%), REE (+1,99%) cho thấy nhà đầu tư vẫn còn mang tâm lý thận trọng. Việc giải ngân nếu có cũng chỉ mang tính chất thăm dò thay vì mua vào quyết liệt.
Số lượng mã tăng trên HOSE đạt hơn 78%. Chỉ số VN-Index chốt phiên tăng 22,21 điểm lên 1.210,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch của sàn đạt 688,84 triệu đơn vị, tương đương 16.355 tỷ đồng.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều tăng điểm tích cực, lần lượt 1,68% và 1,58%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.900 tỷ đồng.