Giá hạt tiêu trong nước tăng gần 60% kể từ giữa tháng 5 đến nay và đạt mức giá cao nhất trong vòng 8 năm qua. Nhưng tình trạng này lại gây “đau đầu” cho các doanh nghiệp xuất khẩu bán trước mua sau.
Chưa hết, mới đây vấn đề “rút ruột” hàng hóa tại các cảng càng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn.
Mới đây, một số thành viên thuộc Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng mất một phần khối lượng hàng hóa xuất khẩu.
Cụ thể, nhà nhập khẩu phát hiện hàng hóa bị thiếu hụt so với số lượng ký hợp đồng thực tế, trong khi khối lượng container (bao gồm hàng hóa bên trong) được cân tại cảng ghi trên phiếu cân đều thể hiện hàng hóa đủ khối lượng tại thời điểm xuống hàng tại cảng.
Theo điều tra nội bộ ban đầu, doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng có nhiều khả năng hàng bị mất trong thời gian container được hạ bãi chờ xuất tàu. Việc thiếu hụt hàng hóa này làm giảm lòng tin của các đối tác quốc tế và khách hàng vào hệ thống logistics, và vận tải biển của Việt Nam cũng như uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu phải bỏ ra thêm nhiều chi phí hơn để tăng cường an ninh, bảo hiểm hàng hóa và xử lý các vụ mất hàng.
Để có cơ sở thông tin kiến nghị với các cơ quan chức năng và làm việc với các cảng vụ, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam đề nghị doanh nghiệp xuất nào có gặp hiện tượng mất hàng hóa xuất khẩu, cung cấp thông tin để Hiệp hội tổng hợp và báo cáo các cơ quan bộ, ngành liên quan xem xét.
Giá cao, nguồn cung giảm
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), giá tiêu tiếp tục tăng mạnh đẩy giá hạt tiêu tại các địa phương đồng loạt vượt ngưỡng 160.000 đồng/kg, hiện đang dao động ở mức trung bình từ 163.000-164.000 đồng/kg.
Dự kiến, đà tăng giá này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới do Việt Nam đã qua vụ thu hoạch, cộng với lượng tồn kho từ vụ trước chuyển sang không đáng kể. Nguồn cung hàng hóa ra thị trường hạn chế, trong khi cầu tăng cao là nguyên nhân khiến giá hồ tiêu tăng mạnh.
Thống kê bộ sơ bộ của VPSA, trong tháng 5/2024, Việt Nam xuất khẩu được 31.357 tấn hạt tiêu các loại, trị giá 141 triệu USD. So với tháng trước, tăng 19,5% về lượng và tăng 21,1% về kim ngạch.
Trong đó, xuất khẩu tiêu đen đạt 27.416 tấn, trị giá 119,7 triệu USD; tiêu trắng đạt 3.941 tấn, đạt 21,3 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 5 đạt 4.542 USD/tấn, tăng 229 USD/tấn; đối với tiêu trắng xuất khẩu được 6.106 USD/tấn, tăng 63 USD/tấn so với tháng trước.
Trong tháng 5, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam đạt 7.692 tấn, tăng 2,4% so với tháng trước.
Xuất khẩu sang Trung Quốc khởi sắc trở lại và đạt 3.137 tấn, tăng 381,9% so với tháng 4 nhưng so với cùng kỳ 2023 giảm 69,4%.
Lũy kế, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu các loại được 114.424 tấn, trị giá 493,1 triệu USD, giảm 13,2% về lượng nhưng tăng 20,6% về trị giá so với cùng kỳ.
Trong đó, tiêu đen đạt 100.971 tấn, trị giá 417,7 triệu USD; tiêu trắng đạt 13.453 tấn, trị giá 75,4 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 5 tháng đầu năm đạt 4.197 USD/tấn, tăng 754 USD/tấn, giá xuất khẩu tiêu trắng đạt 5.804 USD/tấn, tăng 849 USD/tấn so với cùng kỳ.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam đạt 30.466 tấn, chiếm 26,6%, tăng 44,4% so cùng kỳ. Đức là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 đạt 7.532 tấn, chiếm 6,6% và tăng 103,2% ...
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu trong tháng 5 đạt 3.783 tấn, trong đó tiêu đen đạt 3.475 tấn, tiêu trắng đạt 308 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 16,0 triệu USD, so với tháng 4 lượng nhập khẩu giảm 11,6%. Olam Việt Nam là công ty nhập khẩu chủ yếu đạt 1.341 tấn, giảm 33,8% so với tháng trước.
Campuchia là nước cung cấp hạt tiêu lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 50,6% đạt 1.913 tấn, tăng 14,0%, tiếp theo là Brazil chiếm 25,8% đạt 977 tấn và giảm 44,7% so với tháng 4/2024.