Kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, không chia cổ tức
Hôm nay (ngày 5/4), Ngân hàng TMCP An Bình - ABBank (mã ABB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.
Ông Phạm Duy Hiếu giữ chức Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi lợi nhuận năm 2023.
Tổng tài sản đến cuối năm nay dự kiến ở mức 170.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023. Huy động từ khách hàng tăng 13,3% lên 113.349 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 13,5% lên 116.272 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 3%.
Chiến lược 2024 – 2028, ABBank đặt mục tiêu vốn hóa thị trường 3 tỷ USD, tổng tài sản 15 tỷ USD, ROA hơn 2%.
Trước đó, trong năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ABBank chỉ đạt 513 tỷ đồng giảm 69,6% so với năm 2022 và chỉ đạt 18,2% kế hoạch đề ra.
Ông Hiếu cho biết, nguyên nhân khiến lợi nhuận đi xuống chủ yếu do lập kế hoạch chưa sát với tình hình thực tế, bên cạnh đó là sự suy giảm giảm từ thu nhập lãi thuần, ngân hàng phải thực hiện thoái lãi dự thu trái phiếu chưa được thanh toán, nợ xấu bị nhảy nhóm khiến ngân hàng phải gia tăng trích lập dự phòng.
“Trong bối cảnh khả năng thanh toán của doanh nghiệp suy yếu, chúng tôi chọn cách nhìn thẳng vào sự thật, phải trích lập dự phòng hơn 1.400 tỷ đồng, tăng gấp 3 so với các năm trước khiến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 513 tỷ đồng”, ông Hiếu nói.
Dù vậy, Quyền Tổng giám đốc ABBank cũng cho biết, ngân hàng vẫn có những kết quả tích cực trong việc tăng trưởng quy mô toàn hàng, các tỷ lệ an toàn được kiểm soát tốt theo quy định của NHNN. Cuối năm 2023, số lượng khách hàng cá nhân và SME của ABBank đạt hơn 2,1 triệu khách hàng, tăng 22% so với năm 2023.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, ABBank đề xuất để lại toàn bộ số lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2023 sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của ABBank là 398 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của năm 2023 là 298 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng là 1.542 tỷ đồng. Như vậy tổng lợi nhuận còn lại chưa phân phối là 1.840 tỷ đồng.
Bầu thành viên Ban Kiểm soát
Cũng tại đại hội lần này, ABBank tiến hành bầu thay thế thành viên Ban Kiểm soát. Cụ thể, tại ĐHĐCĐ năm 2023, ngân hàng đã thông qua số lượng thành viên Ban Kiểm soát ABBank nhiệm kỳ 2023 – 2027 là 3 thành viên bao gồm bà Nguyễn Thị Hạnh Tâm, bà Phạm Thị Hằng và bà Nguyễn Thị Thanh Thái là Thành viên Ban Kiểm soát. Đến 18/1/2024, bà Phạm Thị Hằng đã có Đơn từ nhiệm chức danh Thành viên Ban Kiểm soát (chuyên trách) theo nguyện vọng cá nhân, hiệu lực kể từ thời điểm Đại hội đồng Cổ đông ABBank thông qua việc miễn nhiệm.
Nhân sự được bầu làm thành viên BKS thay cho bà Nguyễn Thị Thanh Thái là ông Nguyễn Hồng Quang, hiện là cố vấn BKS ABBank. Ông Nguyễn Hồng Quang có trình độ Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Cử nhân chuyên ngành Ngân hàng Tiền tệ và chuyên ngành Kế toán Kiểm toán, có gần 22 năm kinh nghiệm làm việc tại ABBank (từ tháng 6/2002 đến nay), trong đó có gần 5 năm giữ vị trí Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ kiêm Thành viên Ban Điều hành ABBank.
Chưa thể lên HOSE trong năm nay
Liên quan đến vấn đề chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HOSE đã được đặt ra từ năm trước, ông Đào Mạnh Kháng cho biết, ngân hàng mong muốn lên sàn niêm yết để huy động nguồn vốn nhàn rỗi tốt hơn, được thị trường quản trị thông tin, giúp hoạt động minh bạch hơn, các cổ đông lớn của ngân hàng như IFC, Maybank cũng đặt ra yêu cầu quản trị minh bạch, giúp việc đầu tư vào ngân hàng yên tâm hơn, giá trị hơn.
“Tuy nhiên, trong năm nay, đánh giá chung nền kinh tế, HĐQT cho rằng chưa thể niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Trong lộ trình 5 năm, ABBank đã đặt mục tiêu vốn hóa 3 tỷ USD. Kết quả này không chỉ là tăng trưởng hữu cơ của ABBank mà sẽ cần những cú hích như M&A hay gọi vốn. Để đạt mục tiêu này sẽ cần phối hợp niêm yết, cổ đông mới tham gia. Ngân hàng sẽ trao đổi lại với McKinsey để cùng ABBank triển khai lộ trình niêm yết này”, Chủ tịch ABBank nói.
Chủ tịch Đào Mạnh Khánh cũng thừa nhận, 2023 là năm “trũng” nhất trong nhiều năm của ABBank.
“Trong thời gian vừa rồi, nền kinh tế gặp khó khăn, một số ngân hàng lớn vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, tuy nhiên, ABBank là một ngân hàng nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao, do đó, chúng tôi phải phải mời McKinsey về tư vấn để đánh giá lại toàn diện, tăng sức cạnh tranh, phát triển bền vững và dài hạn”, Chủ tịch ABBank cho biết.
Trả lời chất vấn của cổ đông vì sao đặt kế hoạch lợi nhuận quá khiêm tốn so với quy mô tổng tài sản, ông Kháng cho biết, năm 2023 là năm NIM giảm khủng khiếp. Những ngân hàng lớn có lợi thế lớn vì CASA của họ cao trong khi ABBank thì bị áp lực chi phí vốn quá cao, tỷ lệ CASA rất thấp. Ngân hàng phải giảm lãi suất đầu ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi không tăng trưởng tín dụng được càng ép lợi nhuận xuống.
“Đến đầu tháng 3 khi nợ xấu chững lại, chúng tôi mới kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 sẽ đạt 1.000 tỷ”, ông Kháng nói.
Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ngân hàng nói thêm, thực tế ABBank đặt mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ, nhưng ngân hàng cũng dự kiến dự phòng rủi ro năm nay vẫn cao lên đến 1.400 tỷ. Như vậy, ABBank phải kiếm được khoảng 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước dự phòng và đó là con số thách thức.
“ABBank không đặt mục tiêu tăng trưởng nóng, vì trong tình hình khó khăn và nhiều tồn tại mà cứ đua thì có thể phải trả giá. Chúng ta cần làm thế nào để ABBank đi đến lộ trình 2028 một cách lành mạnh”, ông Hiếu nói.