Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động của tổ chức tín dụng.
Với bước triển khai này, khung khổ pháp lý quan trọng cho hoạt động của các ngân hàng thương mại có cuộc mở rộng thứ hai, sau cuộc mở rộng quan trọng vào năm 2017, kể từ khi thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Ở cuộc mở rộng trước đó vào năm 2017, luật này đã có những bước tiến quan trọng trong tạo và củng cố hành lang pháp lý cho quá trình tái cơ cấu hệ thống. Đặc biệt, Luật đã có những quy định chi tiết về việc chuyển giao và nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại, cơ chế tài chính liên quan..., tạo tiền đề cho việc thực hiện những năm vừa qua và hiện nay.
Một điểm quan trọng trong nội dung trên, cuộc mở rộng năm 2017 đã thiết kế một mô hình "ngân hàng trong ngân hàng", tạo điều kiện xác định và khoanh vùng báo cáo tài chính ở ngân hàng tái cơ cấu qua chuyển giao bắt buộc, thay vì hợp nhất dẫn đến ảnh hưởng sâu sắc về tình hình sổ sách tài chính của bên nhận chuyển giao như trước đó.
Cùng đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong xử lý, tái cơ cấu ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, ngân hàng chuyển giao bắt buộc... cũng được xây dựng cụ thể.
Một điểm khác nữa được chú ý trong cuộc mở rộng năm 2017 là cơ chế và điều kiện chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, tách bạch việc kiêm nhiệm đối với nhân sự cấp cao tại các ngân hàng thương mại...
Còn ở cuộc mở rộng thứ hai đang dự thảo triển khai, Luật Các tổ chức tín dụng dự kiến sẽ tiếp tục có những quy định lớn và quan trọng để đáp ứng thực tiễn của thị trường và hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Đó là những nội dung như về số hóa và chuyển đổi số, về cơ chế đại lý mà nhiều năm qua một số ngân hàng thương mại đã đề xuất hoặc thí điểm triển khai, về chuyển tiếp cơ chế pháp lý đầy đủ hoặc hợp lý hơn trong xử lý nợ xấu...
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, qua hơn 12 năm thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật Các tổ chức tín dụng tiếp tục bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.
Theo đó, trên cơ sở tổng kết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn cũng như đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng cùng với việc thực hiện nội dung chính sách liên quan đến hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, các quy định về hoạt động ngân hàng được sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, bổ sung quy định điều chỉnh đối với hoạt động ngân hàng bằng phương tiện điện tử, bao gồm: bổ sung nguyên tắc tổ chức tín dụng được thực hiện hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử tại các quy định về quy định nội bộ, quy định về xét duyệt cấp tín dụng, quy định về lưu trữ hồ sơ tín dụng; bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngoài ra, bổ sung quy định áp dụng riêng cho các khoản vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống có mức giá trị nhỏ, cấp tín dụng qua thẻ theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn.
Về hoạt động của ngân hàng thương mại, dự thảo Luật bổ sung thư tín dụng vào hoạt động cấp tín dụng để phản ánh đúng bản chất hoạt động này, đồng thời lược bỏ hoạt động phát hành "kỳ phiếu, tín phiếu" do thực tế quá trình thực hiện không phát sinh.
Bổ sung hoạt động "giao đại lý" trong lĩnh vực thanh toán và điều chỉnh kỹ thuật một số quy định để đảm bảo rõ ràng.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
Sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; có công cụ kiểm soát của Chính phủ; tăng cường các biện pháp thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, kịp thời phát hiện và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, bao gồm cả quản lý, phê duyệt nhân sự quản trị điều hành của tổ chức tín dụng...
Đặc biệt, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023, qua đó còn kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện những quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện đã phát sinh bất cập.
Đối với hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô, dự thảo Luật bổ sung quy định về hoạt động làm đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng hợp tác xã để nâng cao vai trò của ngân hàng hợp tác xã đối với hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân, điều chỉnh kỹ thuật một số quy định để đảm bảo rõ ràng.