Sáng nay (27/2), VHM cùng nhóm cổ phiếu Vingroup lẫn Ngân hàng tiếp tục lấy đi khá nhiều điểm số của thị trường.
Định vị thị trường
Nhịp điều chỉnh đang trở thành xu hướng chung ở thị trường chứng khoán thế giới lẫn thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong phiên cuối tuần trước, S&P 500 đã hạ xuống gần đường MA200 trong khi Dow Jones và NASDAQ cũng đang dần thu hẹp những thành quả đã đạt được.
Các chỉ số chứng khoán tốt nhất châu Á như Thái Lan, Hang Seng cũng đang phải hạ dần độ cao xuống. Sắc đỏ bao trùm tiếp tục ở những thị trường này lẫn cả khu vực.
Sau khi trải qua một tuần giảm 1,86%, VN-Index cũng chưa thể thoát ra khỏi bối cảnh chung, thậm chí còn điều chỉnh mạnh hơn mặt bằng thị trường châu Á, biên độ lên tới gần 2%.
Chất xúc tác
Tuần vừa qua cũng là tuần bán ròng thứ 2 liên tiếp của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi họ rút ròng gần 1.300 tỷ đồng. Giá trị mua ròng lũy kế đã giảm xuống còn 4.573 tỷ đồng cho đến trước phiên hôm nay. Và ở thời điểm cuối phiên sáng, khối ngoại đã bán ròng tiếp hơn 300 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nội vẫn đang xoay xở với dòng tiền thiếu hụt từ nhà đầu tư ngoại, trong khi đó cũng đang gặp bất lợi từ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục rút ròng khỏi liên ngân hàng.
Theo thống kê từ CTCK BIDV, NHNN đã hút ròng tuần thứ 3 liên tiếp với giá trị ròng là 43.100 tỷ đồng. Tổng số dư hút về qua kênh tín phiếu đến cuối tuần qua đã vượt mức 150.000 tỷ đồng. Qua đó kéo lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại; các lãi suất VND trên thị trường này ngắn hạn đã vượt trên 6%/năm.
Hiện cũng chưa có dấu hiệu nào cải thiện nào từ kênh tỷ giá khi chỉ số DXY đã lên trên 105 điểm.
Vận động nhóm ngành
Trong nhịp điều chỉnh tuần vừa rồi, Ngân hàng đã có lúc xuất hiện để xoa dịu tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiệu quả cũng chưa thực sự được phát huy khi các mã trong ngành hồi phục đều không thuyết phục.
Vì vậy, việc quan sát các phản ứng của nhóm cổ phiếu Ngân hàng vẫn cần được ưu tiên. Nếu có nhịp đảo chiều mới, VN-Index sẽ lại có cơ hội để hồi phục. Trong phiên sáng nay, cả nhóm đang giảm quanh biên độ 2% với các mã EIB (-2,9%), HDB (-2,9%), CTG (-2,7%), STB (-2,8%) đang giảm mạnh nhất. Các mã VCB (-1,6%), BID (-1,2%), ACB (-1,2%), LPB (-1,1%) có biên độ hẹp hơn.
Trong 10 mã gây nhiều áp lực giảm nhất, Ngân hàng hiện đang góp vào 4 gương mặt là VPB, BID, CTG và VCB. Với 6 mã còn lại, cũng cần phải lưu ý tới nhóm Vingroup với VRE (-3,4%), VHM (-3,3%), VIC (-2,5%); trong đó VHM tiếp tục chưa hề có lực đỡ dù đã thủng đáy tháng 11/2022. Hiện VHM đang đứng trước khả năng về sát đáy COVID-19 là vào tháng 3/2020.
Trạng thái bất lợi của các Bluechips đang khiến cả thị trường chung phải chịu trận với hơn 80% mã giảm cuối phiên sáng. Nhóm ngành khả quan nhất như Đầu tư công đang có những gương mặt điều chỉnh mạnh như VCG (-4,2%), FCN (-4%), KSB (-3,7%), BCC (-4,1%). Tuy nhiên, LCG vẫn đang cầm cự khá tốt.
Tại nhóm Dầu khí, PVD (-0,2%), PVT (-1,3%) cũng vẫn phải đi theo diễn biến giảm nhưng biên độ hẹp cho thấy vẫn còn sức đề kháng khá tốt.
Các nhóm Thép, Chứng khoán, Bất động sản vẫn mang tâm lý yếu nên HPG (-3,37%), HSG (-4,61%), HCM (-4,8%), VCI (-3,6%), LIG (-4,9%), NVL (-4,4%)… cũng đều góp mặt trong nhịp giảm; riêng NLG đang có gắng gượng đáng chú ý nhất sau đà rơi sâu trước đó.
VN-Index tính đến cuối phiên sáng mất 19,88 điểm (-1,91%) xuống 1.019,68 điểm. Giá trị giao dịch của sàn đang là 4.462 tỷ đồng.
HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều giảm trên 1%, mất 1,81% và 1,06%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn gộp lại chỉ là hơn 600 tỷ đồng.