Kết phiên 5/6, dù VN-Index đã hạ nhiệt dần về cuối phiên và đóng cửa tại 1.284 điểm, tăng chưa đến 1 điểm so với phiên trước đó, nhưng cổ phiếu SAB của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lại đóng cửa với mức giá trần và là cổ phiếu có sức ảnh hưởng nhất trên HoSE. Đây là mức giá đỉnh mà SAB ghi nhận sau hơn 7 tháng với khối lượng khớp lệnh gần 2,9 triệu đơn vị, dư mua trần gần 1,1 triệu đơn vị.
Tương tự, cổ phiếu BHN của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng chứng kiến điều tương tự khi tăng trần lên 40.950 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch 37.900 đơn vị, dư mua trần 2.100 đơn vị. Như vậy sau gần 3 năm, kể từ ngày 14/9/2021, BHN mới ghi nhận phiên tăng đột biến.
Năm 2023, sản lượng tiêu thụ toàn ngành bia Việt Nam giảm 4% so với cùng kỳ, trong đó, sản lượng tiêu thụ giảm tại tất cả khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ giảm 3%; miền Trung giảm 1% và miền Nam ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất, lên đến 9%.
Sản lượng tiêu thụ bia sụt giảm theo đó doanh thu của các doanh nghiệp bia như Sabeco, Habeco đều ghi nhận sự sụt giảm so với năm 2022. Cụ thể, doanh thu Sabeco năm 2023 giảm 3% so với năm 2022, Habeco giảm 9,9%. Lợi nhuận sau thuế dù sụt giảm so với năm 2022 nhưng Habeco vẫn vượt 50,4% so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua, đạt 222,1 tỷ đồng.
Năm 2023 là năm có nhiều biến động do tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp dẫn đến khủng hoảng năng lượng, lạm phát, làm cho giá nguyên vật liệu giữ ở mức cao. Những yếu tố này ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu thị trường, năm 2023, ngành bia có sự suy giảm do ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế. Các hãng bia lớn đều ghi nhận sự sụt giảm về lợi nhuận và doanh thu những tháng đầu năm. Để giành thị phần, các hãng đều tích cực thực hiện nhiều hoạt động truyền thông, các chương trình khuyến mãi đến người tiêu dùng tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
Thu nhập của người tiêu dùng giảm, từ đó ảnh hưởng lớn đến sức mua những sản phẩm không thiết yếu như bia, rượu, nước giải khát. Bên cạnh đó, việc dừng hoạt động đối với các cơ sở karaoke chưa đạt tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy và việc siết chặt kiểm tra nồng độ cồn khi tham gia giao thông kéo dài đặc biệt là trong dịp lễ Tết... cũng tác động không nhỏ đến hoạt động tiêu thụ của ngành.
Để ứng phó với đà tăng giá của hàng hóa, tối ưu hóa các nguồn lực nhằm ổn định sản xuất, tiêu thụ, Habeco đã xây dựng các chương trình hỗ trợ khách hàng, đẩy mạnh tiêu thụ phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Năm 2024, theo đánh giá của Ban lãnh đạo Habeco, vấn đề sức mua yếu và những ảnh hưởng từ sự hồi phục chậm của nền kinh tế vẫn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp bán lẻ; Rủi ro lạm phát, chi phí vận hành cao, lượng hàng tồn kho lớn tiếp tục là những áp lực đối với các doanh nghiệp. Những yếu tố này sẽ tạo nên thách thức không nhỏ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Habeco.
Habeco đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính là 6.543,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 248,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 202 tỷ đồng.
Trong khi đó, năm 2024, Sabeco đặt ra mục tiêu doanh thu thuần đạt 34.397 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.580 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,9% và 7,6% so với thực hiện năm 2023.