Định vị thị trường
Tính tới phiên giao dịch hôm qua, VN-Index từ đầu năm 2023 đã tăng 9,05% và đang gần như tiệm cận mốc 1.100 điểm. Mốc này có thể sẽ chưa dễ dàng vượt qua bởi trong lần thử sức gần nhất là vào tháng 12/2022, chỉ số đã không thành công . CTCK SSI cũng đánh giá vùng kháng cự 1.100 điểm là mốc quan trọng.
Dù vậy, nếu xét về xu hướng thì mục tiêu đặt ra cho VN-Index sẽ cần phải hướng đến vùng 1.180-1.200 điểm nơi có đường xu hướng dài hạn MA200 đang hiện diện. Các chỉ số chứng khoán như Hang Seng, SET, CSI 300 đều đã làm được điều này trong khi S&P 500 cũng đang ở ngay đường xu hướng dài hạn. Hiện tỷ lệ các mã có xu hướng dài hạn trên HOSE đã có sự cải thiện lên quanh mức 18%.
Trong đêm qua, S&P 500 đã điều chỉnh khá mạnh với mức giảm là 1,56% còn NASDAQ giảm 1,24% và Dow Jones giảm 1,81%. Ngoài yếu tố liên quan tới kỹ thuật thì đêm qua thông tin về doanh thu bán lẻ tháng 12/2022 giảm sâu hơn dự kiến cũng là một nguyên nhân để khiến nhà đầu tư nước này chốt lời.
Chất xúc tác
Trong vòng một tuần trở lại đây, 2 quỹ ETF hút được tiền nhiều nhất là E1VFVN30 (+20,9 triệu USD) và Van Eck (+28 triệu USD), ở phiên hôm qua quỹ E1VFVN30 nhận được 5,3 triệu USD. Các diễn biến này tiếp tục phản ánh vào số liệu mua ròng của khối ngoại với giá trị mua ròng của HOSE là 217,2 tỷ đồng trong phiên 17/1.
Trong khi đó tiền nội cũng dần trở lại để giúp cho thanh khoản của HOSE có phiên thứ 2 liên tiếp giao dịch trên mức bình quân 20 phiên. Hiện tại vận động của thị trường đã có khá nhiều sự luân chuyển sang những nhóm như Dầu khí, Đầu tư công, Chứng khoán.
Cũng cần phải lưu ý rằng, hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh và là phiên giao dịch cuối trước kỳ nghỉ Tết nên chưa thể loại trừ được hết những nhiễu động của Bluechips lên VN30. Với khối lượng mở OI của VN30F2301 đang là hơn 33.500 đơn vị, nhà đầu tư có thể phần nào kỳ vọng rằng biên độ của VN30 sẽ là không quá rộng.
Vận động nhóm ngành
VN-Index trong phiên sáng 19/1 đã rướn qua mốc 1.100 điểm và có thời điểm ghi nhận được điểm số cao nhất là 1.105,7 điểm. Sự dẫn dắt của VN30 vẫn đang được duy trì nhưng các mã VHM (+1%), SAB (+1,9%), VIC (+0,4%), BID (+0,6%) đều duy trì trạng thái tăng giá vừa phải.
Nhóm Ngân hàng hầu như đều "án binh bất động" theo sau các cổ phiếu dẫn dắt. VPB (-0,76%), STB (-0,19%), TPB (-0,42%), VIB (-0,87%) tới cuối phiên sáng còn đang giảm nhẹ.
Nhóm Chứng khoán và Thép thì biến động trái chiều nhau với VND (+2,17%), SSI (+1,7%), HPG (-1,61%), HSG (0%). Đây đều là những cổ phiếu trong Top thanh khoản cao bên cạnh các gương mặt của nhóm Ngân hàng, hiện VND, HPG và SSI đang đều được giao dịch trên mức 200 tỷ đồng.
Nhóm Đầu tư công và Dầu khí với những cổ phiếu như VCG (-0,7%), HHV (0%), LCG (-0,8%), PVD (0%), PVT (-0,2%), GAS (-0,8%) cũng chủ yếu chỉ lình xình.
Toàn HOSE hiện đang có hơn 47% mã tăng giá trong phiên sáng nhưng chưa thực sự có nhiều điểm nhấn giao dịch. Tâm lý có vẻ như đã sẵn sàng cho các hoạt động xáo trộn của VN30 trong phiên chiều và cũng có phần dành cho kỳ nghỉ Tết Quý Mão.
VN-Index cuối phiên sáng đang giao dịch tại 1.100,08 điểm (+0,16%). Thanh khoản của sàn đang là gần 5.000 tỷ đồng.
HNX-Index và UPCoM-Index tăng lần lượt 0,36% và 0,33%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn này đang là hơn 700 tỷ đồng.