Các kế hoạch, hiện vẫn trong giai đoạn sơ khai, sẽ tập trung vào giải pháp nhằm hạ thấp các rào cản quy định đối với việc khai thác và sản xuất nguyên liệu quan trọng, như lithium, coban và graphite – những đầu vào cần thiết cho các trang trại gió, tấm pin Mặt Trời và xe điện.
Đây không phải là một đòi hỏi mới sau khi "lục địa già" lâm vào tình trạng khủng hoảng năng lượng do thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Chúng đã hiện hữu từ trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra. Thời gian trước, EC đã từng đưa ra cảnh báo về rủi ro của việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu thô nhập khẩu.
Trong cảnh báo của mình, EC cho biết, đến năm 2030, nhu cầu về vật liệu đất hiếm dùng trong các tuabin gió của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng gấp 5 lần, nhưng nguồn cung toàn cầu dự kiến chỉ tăng gấp đôi. Nhu cầu đối với chất lithium cũng vậy, có thể cao gấp gần 60 lần mức tiêu thụ hiện tại vào năm 2050 và nhu cầu về coban, than chì dự kiến cao hơn gần 15 lần.
Ủy viên phụ trách khối thị trường nội bộ EU Thierry Breton nói: "Nhu cầu đang tăng lên đáng kể, do quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh của xã hội chúng ta [nhưng] chúng ta thường gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu, trong khi vấn đề địa chính trị của chuỗi cung ứng ngày càng không ổn định".
Theo ông Breton, điều này sẽ đòi hỏi một "cuôc tranh luận mở" về việc khai thác, chế biến, tinh chế và tái chế nhiều hơn ở EU. Ông nói: "Chúng ta ưa thích nhập khẩu từ các nước thứ ba và bỏ qua các tác động môi trường và xã hội ở đó, chưa nói đến lượng khí thải carbon của việc nhập khẩu".
Tuy nhiên, một dự án khai thác trữ lượng lớn lithium ở Bồ Đào Nha đã cho thấy EU sẽ gặp khó khăn như thế nào để đạt được mục tiêu của mình.
Dự án khai thác lithium tại Bồ Đào Nha
Là nền tảng tiềm năng cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của EU, mỏ Barroso ở phía Đông Bắc Bồ Đào Nha dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất pin lithium cho xe điện từ năm 2020. Nhưng Savannah Resources, công ty Australia niêm yết trên sàn chứng khoán London và là chủ sở hữu của dự án này, đã buộc phải đẩy lùi ngày khởi công, do chưa nhận được chấp thuận về đánh giá môi trường. Vào tháng 7/2022, cơ quan quản lý của Bồ Đào Nha tuyên bố tăng thêm một bước thủ tục vào quy trình, khiến Savannah phải tiếp tục lùi thời điểm bắt đầu sản xuất một lần nữa, sang năm 2026.
Dale Ferguson, Giám đốc điều hành tạm thời của Savannah, cho biết không có gì đáng ngạc nhiên khi hoạt động giám sát môi trường tại EU kéo dài hơn ở Australia hoặc Mỹ. Ông nói: "Bạn không thể so sánh một khu mỏ khai thác nằm bên rìa sa mạc hẻo lánh tại Australia với một dự án ở EU".
Rút ngắn thời gian cấp phép
Để tránh xảy ra trường hợp như Savannah Resources ở Bồ Đào Nha, quốc gia đã không cấp phép cho bất kỳ dự án khai thác lớn nào trong vòng 30 năm qua, EC đang khẩn trương hoàn thiện Đạo luật Nguyên liệu Thô, được đề xuất nhằm kích thích hoạt động sản xuất của khu vực.
Trong số các ý tưởng đóng góp cho dự thảo luật, có điều khoản kiến nghị các dự án chiến lược quan trọng sẽ được chỉ định đẩy nhanh hoạt động cấp phép, bằng cách tạo ra một chuỗi khép kín cấp phép liên thông cho dự án, hoặc tạo lập các biện pháp để đẩy nhanh quy trình pháp lý quốc gia, khi có các thách thức xảy ra. Đề xuất này dựa trên quy định đã xúc tiến của EU trong việc cấp phép cho các cơ sở hạ tầng điện.
Một báo cáo phát hành năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu Chung (JRC) thuộc EC cho biết các nguồn tài nguyên tiềm năng của EU chưa được khai thác đầy đủ, với mức đầu tư vào các hoạt động khai thác thấp nhất so với bất kỳ khu vực lớn nào, và dữ liệu về nguồn dự trữ của EU là không rõ ràng.
Trong khi đó, nhu cầu lại ngày càng tăng. Hiện tại, mục tiêu của EU là năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 32% tổng số năng lượng tiêu thụ của khối vào năm 2030, nhưng con số đó có thể tăng lên 40% hoặc thậm chí 45% nếu Nghị viện châu Âu quyết định nâng mục tiêu. Báo cáo của EC cho biết, vào năm 2020, khoảng 22% sản lượng điện của EU đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Dries Acke, Giám đốc phụ trách các vấn đề chính sách của công ty SolarPower tại châu Âu, cho biết ủy ban phụ trách ngành công nghiệp của EU dự kiến việc lắp đặt các tấm pin quang điện sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 34 GW trong năm nay, tăng từ 28 GW của năm 2021. Nhưng ông Acke nhấn mạnh nguồn cung cấp nguyên liệu thô và chế biến sẽ quyết định sự sẵn có của các sản phẩm năng lượng Mặt Trời.
Thúc đẩy sản xuất trong khối hay tăng hợp tác với bên ngoài?
Brussels đã và đang thực hiện các kế hoạch nhằm cải thiện tính "lưu hành" của các sản phẩm, chẳng hạn như pin điện thoại di động cũ, để các nguồn kim loại hiếm được tái sử dụng. Nhưng Cillian Totterdell, người đứng đầu bộ phận chính sách khí hậu và năng lượng tại công ty tư vấn FleishmanHillard, cho biết EU cũng sẽ phải cải thiện việc nhập khẩu hoặc khai thác nguồn cung cấp "tươi".
Ông Totterdell nói: "Đó là một vấn đề lớn trong việc đảm bảo các nguồn tài nguyên. Chúng ta đã không nghĩ về điều này một cách đầy đủ. Từ quan điểm của EU, thật điên rồ khi "tính lưu hành" là câu trả lời duy nhất, trong khi sẽ cần nhiều nguồn lực hơn mức lưu thông có thể cung cấp trong ngắn hạn đến trung hạn".
Theo JRC, EU sản xuất ít hơn 1% tổng số pin lithium ion trên thế giới, thấp hơn nhiều so với con số 66% của Trung Quốc.
Tuy nhiên, không phải tất cả các chính phủ thành viên của EU đều tin rằng việc tăng cường sản xuất nguyên liệu thô quan trọng trong nước với quy mô lớn là cần thiết hoặc mong muốn. Một nhà ngoại giao EU cho biết: "Chúng ta sống ở châu Âu, không phải Trung Quốc". Ông chỉ ra những thách thức pháp lý, cũng như sự phản đối về môi trường đối với các dự án khai thác. Ông nói: "Có một dấu hỏi về mức độ mà chúng ta có thể thực sự giải quyết vấn đề này và liệu chúng ta có thể thực hiện điều này với các quốc gia [bên ngoài EU] mà chúng ta tin tưởng hay không".
Trong khi Ủy viên Breton đang nỗ lực thúc đẩy khả năng sản xuất của nội bộ EU - theo một chương trình nghị sự "tự chủ chiến lược" tương tự như chương trình được thấy trong các lĩnh vực then chốt khác, bao gồm khí hydro và chất bán dẫn - các quan chức khác của EC lại nhấn mạnh về sự cần thiết của các liên kết thương mại tốt hơn bên ngoài khu vực.
Tháng trước, Ủy viên thương mại EU, Valdis Dombrovskis, tuyên bố áp lực địa chính trị đã thay đổi quan điểm của EU về chính sách thương mại và khu vực này cần đạt được nhiều thỏa thuận hơn với "các đối tác cùng chí hướng", để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế. Các mục tiêu mà ông Dombrovskis đưa ra bao gồm một thỏa thuận với Chile - nơi sở hữu một nguồn cung cấp lithium lớn - trước cuối năm nay và một thỏa thuận với Australia vào nửa đầu năm 2023.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ferguson của công ty Savannah cho biết, EU không thể mong đợi tất cả các câu trả lời đến từ nước ngoài. Ông nói: "Chúng tôi cần là các dự án hợp tác với EU sẽ được triển khai đầy đủ và đi vào sản xuất càng sớm càng tốt".