Đây là thông tin được đề cập tại Báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mới được CTCP Chứng khoán VNDirect công bố.
Theo ước tính của VNDirect, trong năm 2023, giá trị đáo hạn TPDN vào khoảng 252 nghìn tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng quý 1/2023 sẽ có khoảng 31 nghìn tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý 2 và quý 3 với giá trị lần lượt khoảng 76,5 nghìn tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ và 83 nghìn tỷ đồng, tăng 39%. Sau giai đoạn thách thức này, lượng TPDN đáo hạn sẽ giảm về mức 61 nghìn tỷ đồng, tăng 14% trong quý cuối cùng của 2023.
Xét theo ngành nghề, doanh nghiệp Bất động sản tiếp tục là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, tương đương với 107,7 nghìn tỷ đồng (tăng 76,2% cùng kỳ).
Tiếp đó là nhóm Tài chính – Ngân hàng với 31% tỷ trọng giá trị đáo hạn, tương đương 77,6 nghìn tỷ đồng (tăng 24% cùng kỳ). Các ngành còn lại chiếm khoảng 26% tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong 2023, với khoản 66,5 nghìn tỷ đồng (tăng 126%).
Theo VNDirect, tháng 6 và tháng 12 của năm 2023 là hai tháng có khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn nhất trong năm với khối lượng lên tới 40 nghìn tỷ đồng/tháng.
Báo cáo nhận định, trong bối cảnh, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ đang ngày một tăng lên.
Theo thông báo của HNX, đến ngày 5/3/2023, đã có khoảng 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN. VNDirect ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này vào khoảng 121,1 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 12% dư nợ TPDN toàn thị trường. Trong đó, riêng nhóm các doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán đã chiếm 10% dư nợ toàn hệ thống.
Cụ thể, có khoảng gần 38,5 nghìn tỷ đồng TPDN của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Chỉ có 02 doanh nghiệp phát hành thành công trái phiếu trong tháng 2
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, trong tuần từ 27/2 đến 3/3, đã không có bất cứ đợt phát hành TPDN nào được ghi nhận.
Như vậy, trong tháng 2, chỉ có 2 doanh nghiệp với 3 đợt phát hành TPDN thành công, tổng trị giá 2.000 tỷ được ghi nhận. Đó là một đợt phát hành riêng lẻ trị giá 500 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Bất động sản Sơn Kim và hai đợt phát hành ra công chúng trị giá 1.500 tỷ đồng của CTCP Tập đoàn Masan. Đây đều là các đợt phát hành có lãi suất thả nổi, với kỳ hạn từ 2,5 - 5 năm.
Tại thời điểm công bố, CTCP Tập đoàn Masan cũng là một trong hai doanh nghiệp tiếp tục có kế hoạch phát hành TPDN trong năm 2023 với phương án chào bán ra công chúng 4.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm. Trong đó, đợt 1 còn 500 tỷ đồng sẽ tiếp tục được chào bán trong tháng 3 này, có kỳ hạn 60 tháng với mức lãi suất thả nổi là lãi suất tham chiếu + 4,1%/năm.
Doanh nghiệp thứ 2 là CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) với phương án chào bán riêng lẻ 410 tỷ trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, không kèm theo chứng quyền, có kỳ hạn 1 năm với mức lãi suất phát hành là 10,15%/năm.
Trước đó, vào cuối tháng 2, HNX đã công bố danh sách các tổ chức phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với 54 doanh nghiệp.Trong đó, có tới 34 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản - xây dựng, tiêu biểu như CTCP Tập đoàn Địa ốc Nova (Novaland), Hải Phát, Bất động sản Hà An (công ty con thuộc Đất Xanh), Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Đầu tư LDG, Tập đoàn Danh Khôi, Hưng Thịnh, Gotec Land, DRH Holdings,...
Bên cạnh đó, còn có nhiều doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc trái phiếu kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng như BCG Energy, Điện gió Trung Nam Đak Lak 1, Điện mặt trời Trung Nam,...
Hay một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác như Anh ngữ Apax, Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS, Chứng khoán Tân Việt, TDG Global, Quốc tế Sơn Hà, Tập đoàn Thái Tuấn, Công nghệ An Phát,...