Ngân hàng Nhà nước vừa có thông tin cập nhật về tình hình lãi suất trên thị trường. Mức lãi suất huy động VND tối đa cũng bắt đầu có điều chỉnh từ đầu tuần này.
Không còn mức 9,5%/năm trên bảng niêm yết
Sáng ngày 6/3, các ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt treo biểu lãi suất huy động mới với mức lãi suất giảm từ 0,2% đến 0,5%/năm so với trước đó. Đáng chú ý, mức lãi suất cao nhất 9,5%/năm đã không còn trên bảng niêm yết của các nhà băng.
Tại LienVietPostBank, lãi suất kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng được điều chỉnh giảm mạnh từ 8,1%/năm xuống còn 7,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,5 điểm %, từ 8,5% xuống còn 8%/năm, các kỳ hạn dài còn lại vẫn giữ nguyên ở mức 8,5%/năm.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất tiền gửi cao nhất tại LienVietPostBank vẫn ở mức khá cao là 9,2%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng.
Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi đối với kỳ hạn ngắn từ 6 đến 12 tháng đồng loạt được điều chỉnh giảm 0,5 điểm %, xuống còn 8,5% - 8,6%/năm.
Tương tự, theo ghi nhận mới nhất, so với đầu tháng 3, khung lãi suất huy động vốn tại ngân hàng Sacombank cũng tiếp tục được điều chỉnh giảm tại nhiều kỳ hạn.
Hiện tại, mức lãi suất huy động đang được triển khai trong khoảng 5,5 - 8,4%/năm, áp dụng cho hình thức gửi truyền thống, lĩnh lãi cuối kỳ.
Theo đó, khách hàng khi gửi tiền tại quầy với kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng sẽ được hưởng lãi suất tương ứng từ 7,5%/năm đến 7,8%/năm, giảm 0,5 điểm % so với đầu tháng.
Tại các kỳ hạn dài hơn từ 12 tháng đến 24 tháng, ngân hàng Sacombank đang triển khai các mức lãi suất trong khoảng 7,9 - 8,3%/năm sau khi giảm 0,3 - 0,5 điểm % so với trước. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng giảm 0,25 điểm%, xuống còn 8,4%/năm.
Tại BacABank, trong biểu lãi suất huy động mới nhất áp dụng từ đầu tuần này, khung lãi suất cũng đã được điều chỉnh khá mạnh khi lãi suất kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng hiện chỉ còn 8,6%/năm, so với mức 9,1%/năm niêm yết hồi đầu tháng 3.
Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất hiện đã về mức 8,7%/năm, giảm 0,5 điểm % so với trước đó trong khi lãi suất cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên hiện còn 9%/năm, so với mức 9,3%/năm trước đó.
Đáng chú ý, mức lãi suất cao nhất tới 9,5%/năm dành cho các kỳ hạn gửi từ 13 tháng đến 36 tháng với hạn mức trên 1 tỷ đồng hồi đầu tháng 3 hiện đã không còn, thay vào đó chỉ còn 9,2%/năm.
Đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất huy động niêm yết cũng tiếp tục được điều chỉnh giảm khoảng 0,2%/năm so với đầu tháng với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 60 tháng, hiện dao động trong khoảng từ 5,8% đến 7,4%/năm tại Vietcombank và Agribank, 5,1% đến 7%/năm tại VietinBank VÀ từ 6% đến 7,4%/năm tại BIDV.
Sáng 6/3, Ngân hàng Nhà nước cũng có thông tin cho biết, các NHTM đã có đồng thuận giảm mức lãi suất huy động VND tối đa nói trên.
"Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên", thông tin từ Ngân hàng Nhà nước nêu.
Lãi suất giảm dần đối với các khoản vay mới
Cũng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm so với cuối năm 2022, trong đó đã có 22 NHTM giảm lãi suất cho vay bình quân.
Ở thời điểm hiện tại, việc giảm lãi suất đầu ra được đánh giá là sẽ không chỉ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế có nguồn vốn hợp lý hơn để phục vụ sản xuất kinh doanh mà còn là giúp chính các NHTM.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp gần đây, lãi suất cho vay hiện nay đã lên tới 14 -15%/năm. Với mặt bằng lãi suất như vậy, rất ít doanh nghiệp sẵn sàng vay mới để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh vì lợi nhuận làm ra không thể bù chi phí... Các ngân hàng huy động vốn giá cao mà không thể cho vay ra sẽ gặp khó khăn liên quan đến hiệu quả kinh doanh.
Quan trọng hơn, khi không thể tiếp cận vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn và điều này có thể tác động bất lợi tới vấn đề nợ xấu tại các NHTM.
Trước những thực tế trên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có yêu cầu cụ thể đối với Ngân hàng Nhà nước, về việc có các giải pháp để giảm dần mặt bằng lãi suất.
Với diễn biến trên, đặc biệt từ đồng thuận thực hiện từ ngày 6/3, thị trường đang đón những chuyển động đầu tiên trong việc thực hiện yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra.