Lãi suất cho vay đang ở mức rất thấp
Thưa Phó Thống đốc, trong năm 2023 đầy thách thức, đâu là những kết quả lớn nhất mà ngành ngân hàng đã đạt được?
Có thể nói, năm 2023 đi qua với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị. Ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục neo giữ lãi suất điều hành ở mức cao.
Trong nước, các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đơn hàng, thị trường sụt giảm.
Trong bối cảnh đó, để tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Các tổ chức tín dụng cũng được chỉ đạo tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.
Có thể nói, đến thời điểm này, lãi suất cho vay đang xuống mức rất thấp bao gồm cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, kể cả lĩnh vực ưu tiên và không ưu tiên. Mặt bằng lãi suất chung đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, nhiều ngân hàng thương mại cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa.
Hiện tại còn rơi rớt lại những khoản lãi suất cao là của những kỳ hạn trước đây khi ngân hàng thương mại huy động với lãi suất cao. Nhưng chắc chắn, đến năm 2024 sẽ không còn duy trì được mức này nữa.
“Có thể nói, đến thời điểm này, lãi suất cho vay đang xuống mức rất thấp bao gồm cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, kể cả lĩnh vực ưu tiên và không ưu tiên” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú
Thành công thứ hai là tiếp tục ổn định được thị trường ngoại tệ, hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền. Có được điều này là nhờ chính sách điều hành linh hoạt, NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ khi tâm lý thị trường diễn biến bất lợi, mua ngoại tệ khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào, đảm bảo thanh khoản thông suốt ngay cả khi thị trường quốc tế biến động mạnh, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, dự trữ ngoại hối của nhà nước được củng cố.
Một thành công nữa là trong năm qua, NHNN đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng cao trên thế giới. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong đó, đặc biệt là tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt hồ sơ vay, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc; gia tăng các chương trình, sản phẩm tín dụng đặc thù, ưu đãi..., tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Nhiều chương trình tín dụng được triển khai nhằm thực hiện tốt chính sách xã hội, góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nếu như các năm trước, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng được phân bổ theo từng đợt thì năm nay, NHNN đã giao ngay toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm ngay từ đầu năm cho các TCTD. Xin Phó Thống đốc nói rõ hơn về sự thay đổi này?
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.
“Tuy cấp toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng vào đầu năm nhưng nếu ngân hàng nào hết hạn mức thì NHNN vẫn xem xét có thể tiếp tục gia tăng” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú
Cách cấp hạn mức tín dụng mới là một bước thay đổi cơ chế tổ chức điều hành của NHNN, cũng mang thông điệp đối với các ngân hàng thương mại phải đưa vốn vào nền kinh tế mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn.
Nếu như những năm trước đây chúng ta xem đó là những khoản cấp phát, phân bổ thì nay là cơ chế giao để cho các ngân hàng phấn đấu để đạt chỉ tiêu. Bởi vì năm ngoái, cũng có ngân hàng tăng hết room nhưng rất nhiều ngân hàng không dùng hết room thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Những ngân hàng tăng trưởng âm, tăng trưởng thấp đó có thể do chưa mạnh dạn tăng trưởng. Do đó, việc thay đổi cơ là để các ngân hàng này phải phấn đấu đạt mức chỉ tiêu tín dụng được giao.
Tuy cấp toàn bộ hạn mức vào đầu năm nhưng nếu ngân hàng nào hết hạn mức thì NHNN vẫn xem xét có thể tiếp tục gia tăng nhưng điều kiện đi kèm là nền kinh tế phải cho phép việc mở rộng tín dụng và vẫn phải đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô và đảm bảo vốn tín dụng vào đúng đối tượng.
Điều đó thể hiện sự minh bạch khách quan, không còn một cơ chế xin cho nào cả và điều này Thủ tướng đã chỉ đạo dứt khoát. Trong thời gian qua mặc dù biểu hiện cấp room tín dụng là như vậy nhưng bản chất cũng chỉ là đánh giá để tín dụng đi vào đúng đối tượng.
2 triệu tỷ đồng chuẩn bị được đưa vào nền kinh tế
Dù có dịu bớt, nhưng những khó khăn, biến động trên thị trường thế giới được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài trong năm tới. NHNN định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng như thế nào để có thể tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thưa ông?
Trên cơ sở thực hiện năm 2023, năm 2024, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện một cách tối đa cho việc hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Năm nay, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. Với mức tăng trưởng tín dụng này, tương đương sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được cung ứng ra nền kinh tế qua kênh cho vay của hệ thống ngân hàng. Đây là mức tăng trưởng định hướng và sẽ có điều chỉnh theo tình hình thực tế thị trường. Nếu cầu tín dụng tốt, nhu cầu vốn nền kinh tế cao, mức tăng trưởng tín dụng có thể là 16%.
NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng bao gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu theo chủ trương của Chính phủ.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, để hấp thụ vốn tốt phải phụ thuộc vào cả yếu tố chủ quan và khách quan, chứ riêng ngành ngân hàng không thể làm cầu tín dụng tăng.
Trong đó, yếu tố khách quan là từ môi trường kinh tế cải thiện mới kích cầu đầu tư, cầu tiêu dùng tăng; đồng thời cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương thông qua các để kích cầu trong nước. Còn yếu tố chủ quan, phía doanh nghiệp cần nâng cao sức khoẻ, năng lực của mình; ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn, thông qua cắt giảm thủ tục không cần thiết và mạnh dạn hơn trong cho vay.
“Năm 2024, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện một cách tối đa cho việc hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú
Các ngân hàng thương mại cần tiếp tục thể hiện trách nhiệm hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Về phía NHNN sẽ sẵn sàng xem xét tăng chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng nhưng trong điều kiện vĩ mô của nền kinh tế cho phép và quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng tín dụng, dòng vốn hiệu quả, đúng mục đích
Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.