Nỗi lo của người bán hàng rong
Trong giờ ăn trưa ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, công nhân thường xuyên xếp hàng để mua bánh bao hấp và món tráng miệng đông lạnh từ xe đẩy. Nhưng những người bán hàng rong luôn chuẩn bị sẵn tâm lý "tháo chạy" để tránh bị quan chức địa phương bắt gặp.
"Tôi rất sợ bị bắt", một người bán hàng họ Yao - thường hoạt động ở Baoan, một quận nổi tiếng với các nhà máy điện tử - cho biết.
Yao có thể bị phạt hàng nghìn nhân dân tệ và bị tịch thu xe nếu cô bị các đội quản lý thị trường thành phố, được gọi là các chengguan, bắt quả tang khi bán các món tráng miệng phổ biến của Trung Quốc.
Trong nhiều năm qua, chính quyền các địa phương Trung Quốc đã loại bỏ các quầy hàng rong trong nỗ lực duy trì vỉa hè sạch đẹp cho các khu phố. Mặc dù hàng rong từng là đặc trưng tại các tuyến phố của Trung Quốc, nhưng liệu những cá nhân như Yao có được phép hoạt động hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà hoạch định chính sách.
Cựu thủ tướng Lý Khắc Cường ủng hộ cái gọi là kinh tế hàng rong khi Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát nhanh chóng của đại dịch do virus corona gây ra vào năm 2020. Ảnh: AP
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng ủng hộ khái niệm "nền kinh tế hàng rong" khi Trung Quốc bị thiệt hại bởi sự bùng phát nhanh chóng của đại dịch hồi năm 2020, tuyên bố hàng rong là cách duy trì sinh kế của những người như Yao trong thời kỳ suy thoái, nhưng không phải tất cả các thành phố và các tỉnh đều làm theo.
Bắc Kinh vẫn khẳng định rằng những người bán hàng rong không được phép hoạt động ở thủ đô và đường phố phải được giữ ngăn nắp và trật tự.
Trong một bài báo đăng trên Nhật báo Bắc Kinh vào tháng 2, chính quyền thành phố đã nói rõ rằng tất cả các quảng cáo, doanh nghiệp có giấy phép bán hàng hóa gần cơ sở của họ và hàng trưng bày tại các cửa hàng trên đường phố phải tuân theo quy định, nói thêm rằng các quầy hàng đều có ảnh hưởng đến "diện mạo của thành phố".
Nhưng một số thành phố lớn, bao gồm Thượng Hải và Thâm Quyến, dường như đã đi ngược lại xu hướng này trong vài tháng qua khi các nhà chức trách Trung Quốc đang cố gắng phục hồi nền kinh tế sau khi mở cửa trở lại và cải thiện thị trường việc làm, nơi có khoảng 20% lao động trẻ thất nghiệp.
Mới đây, Nhật báo Đặc khu Thâm Quyến thuộc sở hữu của chính quyền thành phố đã thông báo rằng những người bán hàng rong sẽ được phép hoạt động từ đầu tháng 9 tại các khu vực được chỉ định trong thành phố.
Yao, một lao động nhập cư chuyển đến từ tỉnh Hồ Nam miền trung vào năm ngoái, sẽ sớm có thể tự do làm việc ở các khu vực trung tâm, nơi có nhiều khách hàng hơn mà không sợ bị phạt hay bị thu giữ xe đẩy.
Tăng thu nhập
Việc có thể bán hàng trên đường phố cũng rất quan trọng đối với thu nhập của Luo, một chủ hàng ăn 51 tuổi, hiện đang chật vật kiếm tiền từ việc bán hàng ăn sáng để trang trải tiền thuê nhà hàng tháng lên tới 13.000 nhân dân tệ (1.881 USD).
Để có thêm thu nhập, Luo bán mì xào bên ngoài các quán bar ở quận Qianhai gần đó.
Luo có thể kiếm tới 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng nhờ bán thức ăn đường phố cho những người đi bar đói bụng, chủ yếu là thanh niên và công nhân xây dựng.
"Ở trung tâm thành phố, đặc biệt là ở những khu vực quán bar nơi giới trẻ tụ tập, việc mở quầy ăn có rất nhiều lợi thế. Khi người ta say, họ dễ vung tiền hơn", Luo nói.
Tuy nhiên, Luo tỏ ra thận trọng trước thông tin những người bán hàng rong sẽ sớm được phép trở lại đường phố một cách hợp pháp.
Việc thực thi lệnh cấm bán hàng trên đường phố từng dẫn tới các vụ tranh chấp giữa giới chức quản lý địa phương và những người bán hàng rong trên khắp Trung Quốc.
Nhưng Luo cho biết bà có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách tập trung bán thức ăn đường phố ở khu trung tâm thương mại và đang cân nhắc chuyển quán ăn của mình đến một địa điểm rẻ hơn.
Nhật báo Đặc khu Thâm Quyến đưa tin rằng một số thành viên của Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Thành phố ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm hàng rong, bởi vì nó không chỉ giúp "khôi phục nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng, mà còn đáp ứng nhu cầu sinh kế của người dân, một sự phản ánh của tính toàn diện trong thành phố".
Cải thiện việc làm
Rory Green, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc và châu Á tại công ty nghiên cứu TS Lombard có trụ sở tại London, cho biết việc thay đổi chính sách phản ánh ưu tiên được đặt vào tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng hơn là những quan ngại của người dân và doanh nghiệp địa phương.
"Áp lực việc làm còn lớn. Loại hình kinh doanh này có mức độ thâm dụng vốn thấp, dễ thành lập, tạo việc làm nhanh và thu hút lao động nhập cư thất nghiệp".
Tuần trước, Bộ Chính trị Trung Quốc đã nhấn mạnh trọng tâm vào tăng thu nhập hộ gia đình, củng cố môi trường tiêu dùng và củng cố niềm tin kinh doanh, thay vì kích thích tài khóa trực tiếp.
Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Nhà nước về Điều tiết Thị trường Trung Quốc, hiện nay có 170 triệu thực thể tham gia thị trường ở Trung Quốc tính đến cuối tháng 1.
Trong số đó, khoảng 114 triệu là doanh nghiệp tư nhân, chiếm khoảng 2/3 tổng số thực thể thị trường và sử dụng gần 300 triệu lao động.