Toàn cảnh thị trường gạo thế giới với điểm nhấn khu vực châu Á

Trung Quốc dẫn đầu về xuất khẩu gạo, tiếp theo là Bangladesh và Ấn Độ. Các nước xuất khẩu gạo chủ chốt khác gồm Pakistan, Nhật Bản, Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Nông dân trồng lúa trên cánh đồng tại Futaba, tỉnh Fukushima (Nhật Bản). (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo Cơ quan Nông nghiệp Nước ngoài thuộc Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng lúa gạo toàn cầu tăng 1% mỗi năm, trong đó châu Á là khu vực sản xuất và xuất khẩu gạo lớn nhất, với sản lượng đạt 521,52 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024.

Trong giai đoạn này, Trung Quốc đã dẫn đầu về xuất khẩu gạo, tiếp theo là Bangladesh và Ấn Độ. Các nước xuất khẩu gạo chủ chốt khác bao gồm Pakistan, Nhật Bản, Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Philippines đều góp phần vào nguồn cung gạo toàn cầu với năng lực nông nghiệp và mạng lưới thương mại của mình.

Trung Quốc là nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 28% sản lượng gạo toàn cầu. Trong niên vụ 2023/2024, nước này ước tính sản xuất 144,62 triệu tấn.

Vì gạo là lương thực chính cho hơn 1,4 tỷ dân, Trung Quốc đã dành một diện tích đất nông nghiệp đáng kể cho ruộng lúa, đặc biệt ở các vùng như Giang Tô, Hồ Nam và Quảng Đông.

Lưu vực sông Dương Tử cũng cung cấp điều kiện canh tác lý tưởng với nguồn nước dồi dào và thời tiết thuận lợi. Các chương trình của chính phủ, như trợ cấp cho nông dân và nghiên cứu về các giống lúa năng suất cao, góp phần củng cố sản xuất.

Mặc dù sản xuất phần lớn gạo để tiêu thụ trong nước, song Trung Quốc cũng tham gia xuất khẩu, chủ yếu sang các nước láng giềng châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines, cùng với một số thị trường châu Phi.

Nỗ lực hiện đại hóa nông nghiệp, kết hợp với hệ thống thủy lợi quy mô lớn, đảm bảo tăng trưởng sản xuất liên tục của Trung Quốc, giúp đáp ứng cả nhu cầu trong nước và thế giới.

Ấn Độ cũng được xem là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, xuất khẩu khoảng 18 triệu tấn vào năm 2023-2024. Nước này cung cấp nhiều loại gạo, bao gồm các loại gạo Basmati, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường trên thế giới.

Các điểm đến xuất khẩu chính của nước này bao gồm Bangladesh, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia và các quốc gia châu Phi.

Thành công của Ấn Độ đến từ sự đa dạng khí hậu, cho phép trồng trọt nhiều vụ trong năm ở các vùng như Punjab, Tây Bengal và Andhra Pradesh. Mặc dù có hạn chế xuất khẩu vào năm 2023 để ổn định giá trong nước, nhưng vị thế dẫn đầu thị trường của Ấn Độ vẫn không bị lung lay.

Các ưu đãi của chính phủ, trợ cấp cho các đầu vào như phân bón và cơ sở hạ tầng tưới tiêu hiệu quả cũng hỗ trợ ngành này. Với việc chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu.

Bangladesh có vị trí quan trọng trong sản xuất gạo toàn cầu, chiếm 7% tổng sản lượng toàn cầu (tương đương với 37 triệu tấn) trong niên vụ 2023/2024. Gạo là lương thực chính tại Bangladesh, và hoạt động trồng trọt phát triển mạnh nhờ đất đai màu mỡ dọc theo đồng bằng sông Hằng.

Nước này chủ yếu trồng các giống lúa truyền thống, tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu trong nước hơn là xuất khẩu quy mô lớn. Các sáng kiến của chính phủ, như trợ cấp cho hạt giống và thúc đẩy những giống lúa năng suất cao, đã giúp tăng sản lượng đáng kể.

gao-an-do-3009.jpg.webp
Nông dân tách vỏ trấu khỏi hạt gạo ở ngoại ô thành phố Hyderabad (Ấn Độ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bangladesh cũng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ trong thời gian thiếu hụt trong nước, đảm bảo an ninh lương thực trong trường hợp lũ lụt hoặc thời tiết bất lợi. Mặc dù xuất khẩu rất ít, nhưng sản lượng ổn định của Bangladesh đóng vai trò quan trọng trong ổn định thị trường gạo khu vực.

Trong khi đó, Indonesia được xem là nhà sản xuất gạo tự cung tự cấp. Indonesia sản xuất 33,02 triệu tấn gạo mỗi năm, chiếm 6% sản lượng toàn cầu.

Nước này trồng lúa gạo chủ yếu ở khu vực Java và Sumatra, nơi các hệ thống thủy lợi và thời tiết nhiệt đới cho phép trồng và thu hoạch nhiều vụ trong năm.Indonesia tập trung chủ yếu vào việc tự cung tự cấp hơn là xuất khẩu.

Tuy nhiên, nước này thỉnh thoảng xuất khẩu một lượng nhỏ sang các đối tác khu vực như Malaysia. Điều quan trọng là Indonesia nhập khẩu gạo từ Thái Lan và Việt Nam trong thời gian thiếu hụt do hạn hán hoặc lũ lụt, đảm bảo ổn định lương thực.

Nỗ lực của chính phủ nước này để hiện đại hóa ngành nông nghiệp cũng đã giúp cải thiện năng suất và củng cố sản xuất trong nước.

Việt Nam được xếp hạng là một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đóng góp 5% sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 với 26,63 triệu tấn.

Đồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là "Vựa lúa của Việt Nam," là trung tâm sản xuất lúa gạo nhờ đất đai màu mỡ và nguồn nước dồi dào. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, Philippines và các nước châu Phi, tập trung vào các giống gạo thơm chất lượng cao.

Quảng cáo

Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đầu tư của chính phủ vào công nghệ và nghiên cứu để cải thiện năng suất.

Bất chấp những thách thức như biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn củng cố vị thế xuất khẩu gạo hàng đầu trên thị trường thế giới. Khi tiêu thụ toàn cầu tăng lên, Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, Thái Lan nổi tiếng với gạo chất lượng cao, đặc biệt là gạo thơm, chiếm 4% sản lượng gạo toàn cầu với 20 triệu tấn. Đây là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu, cung cấp cho các thị trường Trung Quốc, Trung Đông và Mỹ.

Thời tiết thuận lợi và cơ sở hạ tầng tưới tiêu phát triển tốt của Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong thành công sản xuất gạo của nước này.

Xuất khẩu gạo chiếm tỷ lệ đáng kể trong nền kinh tế nông nghiệp của Thái Lan, nhờ chính phủ tích cực thúc đẩy các thực hành bền vững để nâng cao chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Giá cả cạnh tranh và chất lượng ổn định của Thái Lan giúp nước này duy trì vị thế vững chắc trên thị trường toàn cầu. Philippines sản xuất 12,33 triệu tấn gạo, chiếm khoảng 2% sản lượng toàn cầu.

Mặc dù là một nhà sản xuất lớn, song nước này cũng nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước, chủ yếu từ Việt Nam và Thái Lan.

Việc trồng lúa ở Philippines được phân bố ở Luzon, Mindanao và Visayas, với sự hỗ trợ của chính phủ tập trung vào việc cải thiện năng suất thông qua việc áp dụng công nghệ và trợ cấp cho nông dân.

Chính phủ đang nỗ lực hướng tới tự cung tự cấp bằng cách thúc đẩy các giống lúa lai và kỹ thuật canh tác hiện đại. Tuy nhiên, những thách thức như bão và đất canh tác hạn chế làm cản trở sản xuất.

Myanmar cũng là nhà đóng góp quan trọng cho thị trường gạo toàn cầu. Myanmar đóng góp 2% sản xuất gạo toàn cầu, tổng cộng 11,9 triệu tấn. Gạo là cây trồng chủ lực, được trồng chủ yếu ở đồng bằng sông Irrawaddy.

Myanmar xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, Bangladesh và một số quốc gia châu Phi, đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực khu vực.

Mặc dù những thách thức về cơ sở hạ tầng và bất ổn chính trị đã ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp của nước này, song các sáng kiến của chính phủ đang được thực hiện để hiện đại hóa nông nghiệp và tăng cường xuất khẩu.

Ngành lúa gạo của Myanmar được hưởng lợi từ đất đai màu mỡ và kiến thức truyền thống, định vị đất nước này là một nhà cung cấp quan trọng trong thị trường gạo toàn cầu.Pakistan là một nhà xuất khẩu gạo nổi bật.

Pakistan sản xuất 9,87 triệu tấn gạo, đóng góp 2% tổng sản lượng toàn cầu. Nổi tiếng với gạo Basmati cao cấp, Pakistan chủ yếu xuất khẩu sang Trung Đông, châu Âu và châu Phi.

Hoạt động sản xuất gạo của nước này phát triển mạnh ở các khu vực như Punjab và Sindh, nơi hệ thống tưới tiêu từ sông Indus hỗ trợ việc trồng trọt. ác ưu đãi của chính phủ, cùng với đầu tư vào nghiên cứu và công nghệ, tăng cường năng suất và xuất khẩu gạo.

Bất chấp tình trạng thiếu nước thỉnh thoảng xảy ra, Pakistan vẫn là một đối thủ cạnh tranh trong thị trường gạo toàn cầu, nổi tiếng với gạo thơm và chất lượng cao.

gao-thai-lan-3406.jpg.webp
Nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng ở tỉnh Chiang Mai (Thái Lan). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đối với Nhật Bản, đây là một quốc gia sản xuất gạo đáng chú ý khi nước này sản xuất 7,3 triệu tấn gạo, chiếm 1% sản lượng toàn cầu.

Mặc dù sản xuất gạo của Nhật Bản chủ yếu để tiêu thụ trong nước, song nước này xuất khẩu một lượng nhỏ các giống gạo cao cấp, như Koshihikari, sang các thị trường “ngách” ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ.

Nông nghiệp lúa ở Nhật Bản được hưởng lợi từ công nghệ tiên tiến, nhưng phải đối mặt với những thách thức từ đô thị hóa và số lượng nông dân già đi.

Trợ cấp và chính sách của chính phủ thúc đẩy nông nghiệp bền vững giúp duy trì mức sản xuất, đảm bảo gạo vẫn là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của Nhật Bản.

Trung Quốc và Ấn Độ là các nước sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới do nhiều lý do, chẳng hạn như diện tích đất rộng lớn phù hợp với việc trồng lúa và lịch sử canh tác lúa gạo lâu đời.

Cả hai nước đều sở hữu diện tích đất màu mỡ rộng lớn phù hợp với việc trồng lúa, cùng với điều kiện khí hậu thuận lợi và nguồn nước dồi dào. Ngoài ra, Ấn Độ và Trung Quốc trồng nhiều giống lúa, đáp ứng nhu cầu và sở thích đa dạng của thị trường toàn cầu.

Chính phủ của cả hai nước đều tích cực hỗ trợ ngành lúa gạo thông qua trợ cấp, nghiên cứu và phát triển cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, cả hai nước đều áp dụng các phương thức canh tác hiệu quả, và chi phí lao động thấp góp phần vào giá cả cạnh tranh.

Theo vietnamplus.vn Sao chép

Cùng chuyên mục Nông nghiệp

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ chạm đáy 17 tháng

Một đại lý có trụ sở tại New Delhi thuộc một công ty thương mại toàn cầu cho biết các nhà xuất khẩu trong tuần này đã điều chỉnh giá vì cân nhắc đến xu hướng suy giảm của đồng rupee.

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ ổn định gần mức thấp nhất trong 15 tháng Xuất khẩu gạo của Ấn Độ vượt 1 tỷ USD trong tháng 10 vừa qua

Chính phủ Nga thông báo gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo thêm sáu tháng

Theo thông báo, lệnh cấm của Nga không áp dụng đối với xuất khẩu gạo sang các nước thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu (gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan), vùng Nam Ossetia và Abkhazia.

Nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới tuyên bố động thái ‘bất ngờ’, Nga thêm áp lực giữa lệnh trừng phạt Giá dầu Nga vượt mức trần của phương Tây

“Không lo thiếu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp”

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn và đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ không lo thiếu. Nếu ngân hàng thương mại thiếu vốn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp tái cấp vốn hoặc có hình thức cụ thể để hỗ trợ nguồn lực.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kỷ lục mới, là gì vậy? Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “bơm” mạnh tiền vào hệ thống

Giá lúa mỳ tại Ấn Độ tăng cao kỷ lục do nhu cầu tăng mạnh

Các thương nhân Ấn Độ dự đoán giá lúa mỳ có thể còn tăng thêm vì lúa mỳ trong vụ mùa mới dự kiến sẽ không được đưa ra thị trường cho đến tháng 3 năm 2025.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của các nước khiến giá lúa, gạo tăng “thẳng đứng” Giá lúa gạo ở miền Tây tăng mạnh ngay sau Tết Nguyên Đán là “sốt ảo” hay nhu cầu thật?