Ngày 26/1, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết Mỹ đang bước vào giai đoạn 3 về đàm phán với các nước nhằm cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại của WTO và đặt mục tiêu hệ thống này có thể vận hành đầy đủ trước cuối năm 2024.
Cơ quan phúc thẩm của WTO, cấp xét xử cao nhất, đã không hoạt động trong 2 năm qua vì Mỹ ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, thay vì thông qua việc bổ nhiệm, Washington đã dẫn đầu các cuộc đàm phán về cách thức khởi động lại hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.
Phát biểu với báo giới, Phó Đại diện thương mại Mỹ, bà Maria Pagan, nêu rõ mục đích của Mỹ là đảm bảo đến năm 2024, hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO có thể vận hành đầy đủ. Theo bà, các cuộc tham vấn của Mỹ với hơn 70 nước trong năm qua về 12 chủ đề cải cách với hy vọng mang lại các đề xuất cụ thể. Bà từ chối cung cấp thông tin chi tiết, song cho biết các cuộc tham vấn sẽ bao gồm các giải pháp thay thế cho hình thức giải quyết tranh chấp chính thức như hòa giải.
Mỹ vốn chỉ trích WTO vượt quá thẩm quyền và kéo dài tiến trình xét xử, phản đối một số phán quyết gần đây của WTO nhằm vào Mỹ. Cơ quan phúc thẩm không hoạt động đồng nghĩa với việc 24 vụ kiện tại WTO không được giải quyết triệt để do bên thua không thể kháng cáo.
Trước đó, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala từng nói rằng tổ chức này có thể đạt được thỏa thuận về các vấn đề khó khăn như cải cách trước khi diễn ra hội nghị bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13) vào đầu năm 2024. Tuy nhiên, bà Pagan cho rằng thời điểm này là quá sớm.
Tháng 6/2022, các thành viên WTO đã nhất trí về cải cách các quy định thương mại toàn cầu đầu tiên trong nhiều năm, bao gồm việc giảm trợ cấp cho ngành đánh cá, song tiến độ đàm phán bị đình trệ do các bên bất đồng về bên nào sẽ chủ trì các cuộc thảo luận. Bà Pagan bày tỏ hy vọng các nước sẽ sớm đạt được đột phá trong vấn đề này.