Felipe Schwartzman, nhà kinh tế cấp cao tại FED chi nhánh Richmond cảnh báo, đại dịch COVID-19 có thể đã thay đổi môi trường lãi suất mãi mãi. Ông nói, lãi suất trung lập đối với nền kinh tế – lãi suất kiểu nguyên tắc “Goldilocks”, không quá nóng cũng không quá lạnh – hiện có thể cao hơn 1,2 đến 1,4 điểm phần trăm so với trước thời đại dịch.
Điều đó có nghĩa là, lãi suất trung lập dài hạn - hoặc lãi suất nếu lạm phát ổn định và thị trường lao động đạt trạng thái toàn dụng lao động - sẽ ở mức khoảng 4%, chứ không phải ở mức 2,5% đến 3% như nhiều người mong đợi.
Và cơ chế độ lãi suất này có thể sẽ tiếp tục tồn tại - ngay cả khi FED cuối cùng đã giảm lạm phát xuống mục tiêu 2%. Chuyên gia kinh tế Schwartzmann viết: “Bằng chứng cho thấy rằng, ngay cả khi lạm phát quay trở lại mục tiêu và chính sách tiền tệ bình thường hóa, các lãi suất chủ chốt có thể vẫn cao hơn mức trước đại dịch COVID-19”.
Trong số các lý do được đưa ra có việc người dân tiết kiệm ít hơn trước đại dịch, trong khi chính phủ Mỹ lại chi tiêu nhiều hơn.
Nếu nhận định đó đúng thì lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, dao động trong khoảng từ 2% đến 3% trong hầu hết thập kỷ qua, trong tương lai sẽ dao động ở mức từ hơn 3% đến 4,5%. Và lãi suất ngắn hạn, vốn dao động trong khoảng từ 0% đến 2,5%, sẽ có xu hướng duy trì trong khoảng từ hơn 1% đến gần 3%.
Người tiêu dùng cuối cùng có thể phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản vay bao gồm nợ thẻ tín dụng và vay mua ô tô.
Tuy nhiên, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với thị trường chứng khoán vẫn còn là điều phải xem xét. Khi Mỹ bước vào môi trường lãi suất thấp 15 năm trước, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, người ta nhanh chóng nhận ra rằng lãi suất thấp có tác dụng tăng giá đối với chứng khoán. Nếu bây giờ bước vào một môi trường lãi suất cao hơn, có lẽ người ta sẽ cho rằng điều này cũng là dấu hiệu tăng giá đối với cổ phiếu.
Cảnh báo này từ FED chi nhánh Richmond được đưa ra khi áp lực chính trị gia tăng đối với Chủ tịch FED Jerome Powell về việc cắt giảm lãi suất nhanh hơn ông muốn.
“Đã đến lúc FED phải cắt giảm lãi suất ở mức độ lớn - ít nhất là 75 điểm cơ bản,” Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren thuộc Đảng Dân chủ bang Massachussetts, đăng trên mạng xã hội vào cuối tháng 8 và nói thêm: “Chủ tịch Powell đã thừa nhận rằng ông ấy đã chờ đợi quá lâu. Sự chậm trễ khiến rất nhiều việc làm gặp rủi ro và đe dọa toàn bộ nền kinh tế của chúng ta.”
Tuy nhiên, thật khó để thấy bất kỳ lý do kinh tế cấp bách nào để Chủ tịch Powell cắt giảm lãi suất nhiều trong tháng 9, chứ đừng nói đến 75 điểm cơ bản trở lên. Bởi niềm tin của người tiêu dùng vừa đạt mức cao nhất trong sáu tháng. Giá nhà ở cũng vừa đạt kỷ lục mới. Công cụ theo dõi kinh tế theo thời gian thực của FED chi nhánh Atlanta đưa ra mức tăng trưởng kinh tế quý III ở mức lành mạnh 2%. Lạm phát tháng 7 tăng 2,5%.
Với quan điểm diều hâu của Chủ tịch Powell về lãi suất ngắn hạn đã khôi phục phần lớn niềm tin của thị trường trái phiếu rằng lạm phát sẽ được kiểm soát. Kết quả là, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, vốn lên tới 5% vào mùa thu năm ngoái và 4,7% vào thời điểm gần đây vào tháng 4, gần đây đã giảm xuống 3,8% - mức thấp nhất trong khoảng 2 năm. Theo đó, lãi suất các khoản vay thế chấp mới có thời hạn 30 năm đã giảm xuống dưới 6,46%, so với mức 7,8% vào mùa thu năm ngoái. Lãi suất vay thế chấp thấp hơn chính là chìa khóa để mở khóa thị trường nhà ở và khiến nhà có giá cả phải chăng hơn. Tuy nhiên, lãi suất này sẽ chỉ tiếp tục giảm trong 2 tháng tới nếu FED giữ lãi suất ngắn hạn ở mức cao.