Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á giao dịch lình xình dù thị trường chứng khoán Mỹ có phiên hồi phục khá tích cực. Các chỉ số NIKKEI 225 (-0,16%), TWSE (-0,38%), KOSPI (-0,49%) trái chiều với KLSE (+0,5%), STI (+0,71%), SHCMP (+0,28%).
Còn thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy nội tại chưa vững vàng trong khi nền kinh tế còn đang phải dồn lực khắc phục hậu quả của bão Yagi. Vận động của VN-Index đã chệch ra khỏi biên độ giao dịch của khu vực. VN-Index đã giảm gần 1% và đồng thời đánh mất xu hướng tăng ngắn hạn.
Chất xúc tác
Ngoài yếu tố thiên tai, các biến số quen thuộc ảnh hưởng tới thị trường tài chính thực tế vẫn đang thuận lợi. Lãi suất liên ngân hàng hiện đã giảm về 4,37% ở kỳ hạn qua đêm trong khi tỷ giá trên thị trường tự do vẫn đang được giữ trên mức 25.000 VND/USD.
Thanh khoản của thị trường thực tế đã có cải thiện khi nhiều cổ phiếu bị đạp về cuối phiên giao dịch. Khớp lệnh của HOSE đã tăng tới 39% so với phiên hôm qua, lên 601 triệu đơn vị, vượt lên trên mức bình quân 20 phiên. Đồng nghĩa, thanh khoản đã cắt được chuỗi 6 phiên không đạt nổi mức bình quân kể trên.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục có phiên bán ròng gần 400 tỷ đồng trên sàn với các mã MSN (-109 tỷ đồng), FPT (-104 tỷ đồng), VPB (-78,5 tỷ đồng), HPG (-63 tỷ đồng) bị rút ra nhiều nhất. Chiều ngược lại, VHM (+72,5 tỷ đồng), VHM (+68 tỷ đồng), CTG (+50,3 tỷ đồng), VCI (+38 tỷ đồng) vẫn nhận được tiền ngoại.
Thống kê sau phiên giao dịch, tỷ trọng đóng góp của khối ngoại trong giao dịch 2 chiều tiếp tục thu hẹp xuống còn 10,2%. Điều này cho thấy sự gia tăng thanh khoản có ảnh hưởng nhiều hơn từ dòng tiền nội.
Vận động thị trường
Nỗ lực tăng điểm thực tế vẫn xuất hiện đầu phiên sáng nhưng thị trường đã không thể duy trì được từ sau 10h. Sang đến phiên chiều, nhóm cổ phiếu lớn còn gây ra nhiều sức ép hơn lên chỉ số. Đáng chú ý nhất là các trường hợp của VRE (-4,5%) và SSB (-6,1%).
Trong khi đó, một loạt các cổ phiếu khác rổ VN30 như HPG (-1,8%), TCB (-1,8%), BVH (-1,6%), SAB (-1,6%), VIC (-1,6%), SSI (-1,5%), CTG (-1,4%), VCB (-1,3%), GVR (-1,2%), BID (-1,1%) cũng giảm trên 1%. Cả rổ VN30 có tới 24/30 mã giảm giá.
Nếu như không xuất hiện những lực cầu mua giá thấp cuối phiên, mức giảm của VN30 (-1%) cũng như VN-Index (-0,99%) có thể còn được nới rộng hơn.
Ảnh hưởng của các cổ phiếu lớn lên thị trường chung được thấy rất rõ ràng. Nhiều mã Bất động sản, Thép, Chứng khoán đều đóng cửa trong sắc đỏ trong đó có những trường hợp ghi nhận lực bán lớn xuất hiện như PDR (-3,7%), DXG (-4,21%), NVL (-3,8%), NTL (-5,8%), CTS (-2,19%), BSI (-2,62%), FTS (-2,77%).
Các nhóm Khu Công nghiệp, Đầu tư công, Bán lẻ, Cảng biển ghi nhận biên độ giảm hẹp hơn VGC (-2,3%), KBC (-2,1%), LCG (-0,5%), VCG (-0,8%), FCN (-1,6%), DGW (-0,16%), HAH (-0,3%)…
Hy vọng của thị trường chỉ xuất hiện ở một số mã Nông nghiệp, Nhựa như DBC (+2,25%), BAF (+4,67%), HAG (+2,4%), BMP (+4%) tuy nhiên sự tự tin của dòng tiền là chưa đủ để giúp các cổ phiếu giữ lại được trạng thái tốt nhất trong phiên. Khá nhiều mã đã nhanh chóng gặp phải lực bán ra tương tự như vận động của nhóm cổ phiếu Thép trong ngày hôm qua.
Chốt phiên, sắc đỏ phủ 67% số mã trên HOSE. Chỉ số VN-Index với việc đóng cửa giảm 12,5 điểm xuống 1.255,23 cũng đồng thời đánh mất xu hướng tăng ngắn hạn. Thanh khoản toàn sàn đạt 15.599 tỷ đồng, tương đương 690,1 triệu đơn vị.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đồng thời giảm điểm, mất lần lượt 0,76% và 0,69%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.500 tỷ đồng.