Ngôi làng giàu nhất Trung Quốc vươn mình như một phép màu
Từ lâu, ngôi làng Hoa Tây thuộc tỉnh Giang Tô đã được mệnh danh là ngôi làng “giàu nhất Trung Quốc”. Làng nằm cách thành phố Thượng Hải khoảng 2 giờ lái xe về phía tây bắc.
Mặc dù là ngôi làng giàu nhất Trung Quốc, diện tích của Hoa Tây khá khiêm tốn. Tổng diện tích của làng chỉ khoảng 980.000 mét vuông, gấp đôi Thành quốc Vatican. Trên trang web du lịch chính thức của Hoa Tây, ngôi làng có 350.000 cư dân.
Làng Hoa Tây từng được nhắc đến như một phép màu của kinh tế thịnh vượng. Và không thể kể về sự giàu có của ngôi làng này mà không nhắc đến “trưởng làng” Wu Renbao.
Vào những năm 1960, ông Wu Renbao đã trợ giúp người dân địa phương phát triển công nghiệp. Sau cải cách kinh tế và mở cửa, làng Hoa Tây nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp sắt thép của mình và đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.
Vào đầu thế kỷ 21, làng Hoa Tây có hơn 100 công ty thuộc Tập đoàn Hoa Tây, trải khắp các lĩnh vực từ sắt thép, gia công kim loại, dệt may cho đến bất động sản. Đến năm 2004, mức lương bình quân đầu người hàng năm của dân làng Hoa Tây đã đạt 122.600 nhân dân tệ, gần gấp 42 lần thu nhập bình quân đầu người của nông dân Trung Quốc và gấp 13 lần bình quân đầu người của cư dân thành thị thời điểm đó.
Theo Business Insider, người dân gốc của Hoa Tây được hưởng những tiện nghi đặc biệt. Họ được chăm sóc sức khoẻ và hưởng quyền lợi giáo dục, được cấp miễn phí nhà đẹp và xe sang. Tài khoản ngân hàng của cư dân khi ấy được cho là có ít nhất 250.000 USD.
Ảnh: RT
Làng Hoa Tây cũng có “Công viên Thế giới”, nơi mô phỏng những địa danh nổi tiếng như Tượng Nữ thần Tự do, Khải Hoàn Môn, cũng như bản sao của các di tích lịch sử như Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành… Song người dân sống ở làng Hoa Tây phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt như không chơi cờ bạc hay sử dụng chất kích thích. Làng Hoa Tây cũng không có hộp đêm hay phòng hát karaoke.
Tại trung tâm làng, một toà nhà 72 tầng được cho là biểu tượng của sự giàu có tại làng Hoa Tây. Toà nhà cao khoảng 328m, cao hơn cả Tháp Eiffel của Paris. Bên trong công trình cao chót vót giữa bầu trời Hoa Tây là khách sạn 5 sao Long Wish International. Những dãy phòng tổng thống thể hiện sự xa hoa với đèn chùm pha lê, kệ mạ vàng, bồn tắm bằng đá cẩm thạch và đồ nội thất bằng gỗ gụ.
Khung cảnh hoành tráng của làng Hoa Tây. Ảnh: Getty Images.
Toà tháp 72 tầng ở trung tâm của Hoa Tây. Ảnh: China News
Trên tầng 60 của toà nhà, du khách không chỉ được ngắm khung cảnh của Hoa Tây mà còn được chiêm ngưỡng bức tượng bò bằng vàng nguyên chất nặng 1 tấn.
Làng Hoa Tây cũng có hệ thống di chuyển hạng sang riêng. Dân làng sẽ sử dụng trực thay thay vì ô tô. Công ty hàng không Tongyong, cho biết tất cả các hành trình đến các thành phố xung quanh làng Hoa Tây được thực hiện trong vòng chưa đầy 10 phút.
Tượng bò vàng nặng 1 tấn. Ảnh: RT
Lao đao vì chìm trong khối nợ khổng lồ
Cuộc sống như mơ tại ngôi làng giàu nhất Trung Quốc này thay đổi khi rắc rối bắt đầu xuất hiện. Sau năm 2008, ngành thép của Hoa Tây suy giảm, sản xuất dư thừa trở thành một vấn đề cân não. Năm 2013, một số thông tin cho rằng doanh nghiệp của làng làm ăn thua lỗ nên dân làng (là cổ đông) phải thuê khách sạn 5 sao để “kích cầu nội địa”. Trong vòng 5 năm tính đến 2013, Tập đoàn Hoa Tây được cho là đã nợ khoảng 40 tỷ nhân dân tệ.
Sự bất bình và phẫn nộ bắt đầu len lỏi trong dân làng. Một số người nói rằng chỉ những người sống lâu năm mới được nhận nhà ở và cổ phiếu công ty. Những người mới đến thì coi như nhập cư.
Các nhà máy thép của Hoa Tây buộc phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước lớn hơn. Trong khi đó, phần lớn thu nhập của làng phụ thuộc vào việc cho thuê bất động sản. Tập đoàn Hoa Tây đã phát phiếu giảm giá của khách sạn thay vì cổ phiếu như trước.
Ngành công nghiệp sắt thép chiếm phần lớn thu nhập của làng Hoa Tây. Ảnh: RT
Gần khách sạn cao cấp là một công ty dệt may và hệ thống cửa hàng quần áo. Tại đó, những chiếc áo kiểu dáng cũ có giá tới 200 nhân dân tệ. Triển vọng kinh doanh của các cơ sở này không mấy sáng sủa, trong thời điểm các chuỗi cửa hàng thời trang như Uniqlo và Gap đang tiến sâu hơn vào Trung Quốc. Mua sắm trực tuyến cũng ngày càng nở rộ hơn.
Mặc dù Hoa Tây đã mở rộng sang lĩnh vực tài chính, vận tải biển và đầu tư tài nguyên thiên nhiên, rõ ràng bất động sản là cách nhanh chóng và dễ dàng để huy động vốn. Nhiều nguồn tin cũng tiết lộ rằng ngôi làng đã nhận được khoản vay ngân hàng lớn bằng cách sử dụng cổ phiếu công ty làm tài sản thế chấp.
Hoa Tây cũng giống như các địa phương khác của Trung Quốc. Ngôi làng đấu tranh để nghĩ ra những cách hiệu quả để thúc đẩy ngành công nghiệp. Giá cổ phiếu giảm trong năm nay khiến Hoa Tây càng phụ thuộc nhiều hơn vào bất động sản như một nguồn thu nhập.
Một phần thu nhập khác đến từ các nhà máy dệt may. Ảnh: RT
Đi tìm con đường phát triển bền vững
Sau khi ông Wu Renbao qua đời năm 2013, con trai ông là Wu Xie'en tiếp quản Tập đoàn Hoa Tây. Trước bối cảnh khủng hoảng nợ ở làng, Wu Xie'en cũng nỗ lực thay đổi.
Tập đoàn Hoa Tây tìm kiếm cơ hội mới trong ngành tài chính. Công ty bắt đầu tham gia lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, hợp đồng tương lai, đồng thời mua cổ phiếu từ nhiều công ty thông qua các sàn giao dịch khác nhau.
Con trai của Wu Xie'en là Sun Xiyao cũng giúp mở rộng hoạt động kinh doanh sang các ngành công nghiệp internet mới nổi như trò chơi trực tuyến, thể thao điện tử và sách điện tử.
Tuy nhiên, trước những hiệu quả kinh doanh hiện tại, quá trình chuyển đổi của làng Hoa Tây chưa thực sự thành công. Các khoản đầu tư vào ngành mới nổi không bù đắp được những tổn thất phát sinh từ các ngành truyền thống, mà còn tăng thêm chi phí hoạt động.
Làng Hoa Tây nhìn từ trên cao. Ảnh: RT
Những câu hỏi hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ. Liệu một ngôi làng hoạt động như một doanh nghiệp gia đình có thể cạnh tranh trong thời đại ngày nay? Liệu thời con cháu của ông Wu có thể dẫn dắt làng Hoa Tây tìm ra con đường phát triển hay không?
Làng Hoa Tây đã viết nên câu chuyện thành công phi thường. Tuy nhiên, nếu ngôi làng có thể tự tái tạo, vượt qua khủng hoảng và tìm ra con đường phát triển bền vững, đây chắc chắn sẽ là bài học giá trị cho hàng nghìn ngôi làng khác ở Trung Quốc chờ được hồi sinh.