![TCB vượt đỉnh 3 năm, thị trường tăng điểm phiên thứ 3 liên tiếp](https://s-aicmscdn.nhipsongkinhdoanh.vn/thumb/w_1000/nskd-media/25/2/6/screenshot-2025-02-06-153922_67a4753fbd9b3.png)
Định vị thị trường
Đợt hồi phục của các thị trường chứng khoán châu Á ghi nhận thêm đóng góp từ các chỉ số Trung Quốc như SHCMP (+1,27%), SZI (+2,26%), HSI (+1,09%). Trong khi đó, NIKKEI 225 (+0,61%), TWSE (+0,67%), KOSPI (+1,1%) cũng tiếp tục duy trì được sắc xanh.
Còn thị trường Việt Nam cũng có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp. Rung lắc nhẹ đã xuất hiện nhưng chỉ số VN-Index vẫn đóng cửa trên mốc 1.270 điểm.
Chất xúc tác
Nhờ sự thoái lui của chỉ số DXY khỏi mốc 108 điểm, áp lực tỷ giá trong nước đã được xoa dịu phần nào. Giá bán USD trên thị trường tự do đã hạ độ cao về gần 25.700 VND/USD.
Tuy nhiên, sự đảo chiều trong giao dịch của khối ngoại vẫn chưa xuất hiện. Chuỗi bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài đã bước sang phiên thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, giá trị rút ròng đạt 355 tỷ đồng trong đó VNM (-73,6 tỷ đồng), FRT (-60,34 tỷ đồng), MWG (-47,7 tỷ đồng) bị bán ra nhiều nhất.
Đóng góp của dòng tiền ngoại vào 2 chiều mua/bán đã thu hẹp xuống còn 10,72%.
Trong khi đó, giao dịch của nhà đầu tư trong nước có sự gia tăng nhẹ so với phiên hôm qua, khớp lệnh tăng gần 1% lên 537 triệu đơn vị. Qua đó, HOSE đã có chuỗi 6 phiên liên tiếp duy trì thanh khoản trên mức bình quân 20 phiên.
Sau các phiên bơm ròng vào hệ thống, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chững lại trong hoạt động điều hành thị trường mở. Trong ngày hôm qua, NHNN còn quay sang hút ròng 1,2 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Dòng tiền chưa đột phá đã khiến cho phân hóa tiếp tục xuất hiện trên thị trường chung. Các mã Ngân hàng dù có những mã như CTG (+0,4%), LPB (+1,7%), MBB (+0,44%) lập kỷ lục giá đóng cửa hay như TCB (+2%) vượt đỉnh 3 năm nhưng thực tế vẫn thiếu đi sự bùng nổ.
Những nỗ lực của Ngân hàng cũng cần sự kết hợp với một số cổ phiếu Bluechips khác như VIC (+1%), FPT (+0,1%) mới có thể triệt tiêu đi sự rung lắc nhẹ của chỉ số VN-Index xuất hiện trong phiên chiều. Chốt phiên, chỉ số VN-Index tăng 1,87 điểm (+0,15%) lên 1.271,48 điểm. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 12.921 tỷ đồng, tương đương 568 triệu đơn vị.
Một số mã như FRT (-4,95%), FCN (-3,27%), LCG (-1,4%), VCG (-1,21%) đã gặp áp lực bán ra ở nhóm Bán lẻ và Đầu tư công. Trong khi tại nhóm Chứng khoán, VND (+3,61%), VIX (+0,6%) lại trái chiều với VCI (-0,4%), HCM (-0,5%), FTS (-0,1%).
Tại nhóm Bất động sản, nhiều cổ phiếu như PDR (+0,3%), NVL (-0,1%), DIG (-0,5%), KDH (-0,7%) cũng biến động trong biên độ hẹp.
Độ rộng của HOSE đã phản ánh sự giằng co của thị trường chung với gần 40% mã tăng so với 45% mã giảm giá. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho dòng tiền vẫn đang tranh thủ tìm kiếm cơ hội trên HNX và UPCoM.
Các mã DXP (+3,5%), SLS (+2,3%), CAP (+2,1%), MSR (+14,8%), SGP (+6,1%), CLX (+6,1%), PHP (+4,8%) đã đem lại những màu sắc tích cực hơn so với mặt bằng chung của HOSE. Chỉ số HNX-Index tăng 0,5% trong khi UPCoM-Index tăng 0,88%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.600 tỷ đồng.