Vốn hóa vượt VPBank, Vinamilk, MWG
Kết phiên ngày 7/6, cổ phiếu MCH của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Holdings) tiếp tục lập đỉnh mới với giá chốt phiên là 215.000 đồng. Như vậy, chỉ sau chưa đầy nửa đầu năm 2024, cổ phiếu MCH đã có chuỗi tăng ấn tượng từ mức 89.200 đồng (chốt phiên ngày 2/1) lên 218.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 144,5%. Mức tăng giá này đã giúp MCH trở thành tâm điểm trên UpCOM, cả về bước giá lẫn khối lượng giao dịch.
Với 717,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của Masan Consumer hiện đạt 157.134 tỷ đồng, xấp xỉ 6,17 tỷ USD (tạm tính 1 USD đổi 25.450 đồng theo tỷ giá bán USD tham khảo của Ngân hàng Nhà nước ngày 7/6). Con số vốn hóa này đã vượt qua cả vốn hóa của công ty mẹ của MCH - Công ty CP Tập đoàn Masan Group (MSN) là 111.033 tỷ đồng, tính theo giá cổ phiếu cùng ngày.
Thậm chí, vốn hóa của MCH còn lớn hơn cả vốn hóa của MSN và các công ty thành viên khác của MSN trên sàn chứng khoán như Masan High-Tech Materials (MSR), Netco (NET), Masan MEATLife (MML) hay Vinacafé Biên Hòa (VCF) cộng lại.
So sánh trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM, vốn hóa của Masan Consumer đang xếp thứ 12 thị trường, sau Vietcombank (494.635 tỷ đồng), Viettel Global (274.856 tỷ đồng), BIDV (272.196 tỷ đồng), ACV (252.091 tỷ đồng), Hòa Phát (187.810 tỷ đồng), PV Gas (184.428 tỷ đồng), FPT (180.336 tỷ đồng), VietinBank (176.136 tỷ đồng), Techcombank (172.955 tỷ đồng), Vinhomes (169.820 tỷ đồng) và Vingroup (166.329 tỷ đồng).
Mức vốn hóa hiện tại của Masan Consumer cũng đang vượt xa không ít “big cap” trên sàn HoSE như VPBank (142.811 tỷ đồng), Vinamilk (141.699 tỷ đồng), MBB (118.695 tỷ đồng), ACB (109.878 tỷ đồng), Thế Giới Di Động (90.805 tỷ đồng), Sabeco (87.086 tỷ đồng),…
Với mức vốn hóa hiện tại, Masan Consumer đang là công ty có vốn hóa lớn nhất ngành thực phẩm đồ uống trên sàn chứng khoán.
“Con gà đẻ trứng vàng” của Masan và kế hoạch niêm yết trên HOSE
Động lực giúp cổ phiếu MCH có đà tăng tích cực từ đầu năm 2024 có thể đến từ một số yếu tố hỗ trợ như kết quả kinh doanh nhiều triển vọng của nhóm hàng tiêu dùng cũng như kế hoạch đưa cổ phiếu MCH lên sàn HoSE như thông tin mà lãnh đạo doanh nghiệp này đã hé lộ.
Xét về hoạt động kinh doanh, ban lãnh đạo Masan Consumer cho biết, công ty hàng tiêu dùng này hiện sở hữu 5 “big brands” hàng tiêu dùng có mức doanh số khoảng 150-250 triệu USD với “độ phủ” lớn như Chin-su, Nam Ngư, Omachi, Kokomi và Wake-Up 247, đóng góp 80% vào doanh thu của Masan Consumer tại thị trường trong nước trong 7 năm qua. Với tốc độ tăng trưởng gấp 2,2 lần tốc độ thị trường chung từ năm 2017 đến năm 2023, hơn 98% hộ gia đình Việt Nam đang sở hữu ít nhất một sản phẩm của Masan Consumer.
Không dừng lại ở đó, Masan Consumer còn đặt mục tiêu mở rộng hơn nữa thị trường bằng cách tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà (Home meal replacement) và thay thế bữa ăn tại nhà hàng (Restaurant meal replacement) cho người tiêu dùng.
Theo ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc của Masan Consumer, quy mô thị trường hàng tiêu dùng FMCG mà Masan Consumer phục vụ đến 15 tỷ USD, nhưng công ty mới chỉ chiếm khoảng 8%. Thậm chí với quy mô thị trường FMCG Việt Nam khoảng 32 tỷ USD thì Masan Consumer cũng mới chiếm thị phần 3-4%. Do đó, Masan Consumer còn nhiều cơ hội để cạnh tranh với đơn vị khác, để người tiêu dùng lựa chọn.
Cũng theo ông Thắng, mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ đô, thực hiện chiến lược “Go Global” (mục tiêu đạt 10 - 20% doanh thu từ thị trường toàn cầu) và trở thành công ty hàng đầu Đông Nam Á về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhờ mô hình FMCG mới.
Bên cạnh mục tiêu đầy tham vọng, kết quả kinh doanh của Masan Consumer thời gian qua cũng chứng minh mảng hàng tiêu dùng đang là “con gà đẻ trứng vàng” cho Masan. Trong quý đầu năm 2024, doanh thu thuần của Masan Consumer vẫn giữ vững đã tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ lên 6.727 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của Masan Consumer duy trì ở mức 45,9% trong quý I/2024, tăng 400 điểm cơ bản so với quý I/2023. Lợi nhuận thuần sau thuế trước phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Pre-MI) của Masan Consumer tăng 31,5% lên 1.505 tỷ đồng trong quý I/2024 so với mức 1.144 tỷ đồng trong quý I/2023.
Chia sẻ về triển vọng kinh doanh của Masan Consumer tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4/2024, ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan Consumer cho biết: “Chúng tôi đã nắm trong tay kế hoạch rõ ràng để khai mở giá trị cổ đông cho Masan Consumer trong ngắn hạn và WinCommerce trong trung hạn. Ở vị thế tập đoàn, chúng tôi không chỉ tập trung vào tăng trưởng mà còn đặt trọng tâm vào gia tăng lợi nhuận trong 18 - 24 tháng tới”.
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra đầu tháng 5/2024, ông Danny Le lại tiếp tục hé mở thêm những thông tin về kế hoạch huy động vốn của Masan Consumer trong năm nay. Theo vị lãnh đạo này, với tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm trong vòng 6 - 7 năm qua của Masan Consumer, đã đến lúc phải xem xét thực hiện kế hoạch IPO tiềm năng.
“Hiện tôi có thể nói dựa trên ước tính của chúng tôi rằng, việc IPO Masan Consumer là top 2 vấn đề hàng đầu của Masan Consumer. Trên UPCoM, cổ phiếu MCH hiện đang giao dịch ở dưới giá trị nội tại. Do đó, tôi cho rằng, việc IPO Masan Consumer sẽ giúp nâng định giá của các cổ phiếu Masan”, ông Danny Le nói.
Trước đó, tờ Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, Masan đang hợp tác với các nhà tư vấn tài chính liên quan đến vấn đề IPO của Masan Consumer Holdings, thương vụ này có thể huy động được từ 1 - 1,5 tỷ USD. Các nguồn tin cho biết, thêm đợt bán cổ phiếu có thể diễn ra vào đầu năm sau nếu điều kiện thị trường thuận lợi. Các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra và các chi tiết như quy mô và thời gian có thể thay đổi.
Theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg, một đợt IPO huy động 1,5 tỷ USD sẽ là cú hích cho thị trường chứng khoán Việt Nam và vượt qua đợt chào bán cổ phiếu lần đầu trị giá 1,4 tỷ USD của Vinhomes vào năm 2018.