Theo nghiên cứu gần đây của Marco Mello tại Đại học Surrey (Anh), quốc gia vô địch World Cup thường có xu hướng được hưởng thêm 0,25 điểm phần trăm tăng trưởng GDP trong hai quý sau khi giải đấu kết thúc. Vậy Pháp và Argentina có thể nhờ “chiếc cúp vàng” để vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn hay không?
"Lạm phát bủa vây"
Theo dữ liệu từ Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (INDEC) tỷ lệ lạm phát tại quốc gia này đã tăng lên tới 66,1%, trong 9 tháng đầu năm 2022.
CPI - chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng tới 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng hàng năm cao nhất kể từ tháng 12 năm 1991. Nguyên nhân là do giá lương thực tại Argentina đã tăng 69,5%. Ví dụ, rau, củ và các loại đậu (tăng 144,4%), đồ ngọt (tăng 79%), dầu, mỡ và bơ (tăng 89,8%).
Khi lạm phát bùng nổ, người dân tại quốc gia này lâm vào cảnh khốn cùng. Nhiều người dân đã phải lục đồ bỏ đi để tìm kiếm quần áo, đồ dùng, thậm chí là cả thức ăn để sống qua ngày.
Một thế kỷ trước, Argentina còn là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, nhưng nay lại được dự đoán tỷ lệ lạm phát có thể lên đến 100% trong năm 2022.
Pháp cũng không ngoại lệ, lạm phát cũng là một vấn đề “nhức nhối” ở quốc gia này. Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tại đây đã tăng 7,1% so với năm 2021. Giá thực phẩm (không bao gồm sản phẩm tươi sống), hàng hóa sản xuất, dịch vụ đã tăng chóng mặt. Giá dịch vụ ghi nhận tăng 3% - mức tăng đỉnh điểm.
Người dân mua hàng tại một siêu thị ở Pháp. Ảnh: AFP
Hạn hán - Đình công
Năm 2022, Argentina gặp tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế.
Hạn hán nghiêm trọng
Theo Cơ quan Quản lý cảng và vận tải đường biển của Argentina, hạn hán kéo dài, nước sông cạn sạch khiến lượng hàng hóa vận chuyển trên các tàu thuyền xuất phát từ cảng Rosario đã giảm từ 18% đến 25% so với mức bình thường. Lạm phát tăng cùng với thiên nhiên gây cản trở khiến kinh tế quốc gia này sụt giảm nghiêm trọng.
Kinh tế Pháp cũng không khả quan. Lạm phát cũng đã để lại nhiều hậu quả kéo dài. Trong quý IV, nhiều công đoàn Pháp đã bắt đầu đình công trên toàn lãnh thổ và yêu cầu được hưởng mức lương cao hơn.
Làn sóng này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông, giáo dục và đặc biệt là kinh tế. Hoạt động của các nhà máy lọc dầu lớn tại Pháp bị đình trệ khiến các trạm xăng bị thiếu nguồn cung cấp. Theo thống kê, 30 trạm xăng đã cạn kiệt khiến khủng hoảng năng lượng nổ ra.
Dự báo tăng trưởng đầy “sóng gió”
Theo dữ liệu từ Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia (INSEE), GDP của Pháp có thể sẽ giảm 0,2% vào cuối năm nay do ảnh hưởng của lạm phát. Về cơ bản, các hoạt động sản xuất sẽ tăng trở lại từ đầu năm sau, nhưng cùng với nó là giá cả tăng cao.
Theo dự báo của INSEE, mức độ tăng trưởng của Pháp có thể tăng trở lại ở mức 0,1% trong ba tháng đầu năm - một con số khiêm tốn và sau đó là 0,3% trong quý 2.
Còn theo khảo sát từ các chuyên gia kinh tế của Bloomberg, Argentina được dự báo tăng trưởng GDP lần lượt 0,8 đến 1,1% trong bốn quý năm sau.
Tốc độ tăng trưởng GDP (theo năm). Ảnh: Bloomberg
Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng thành công tại World Cup có thể khiến kinh tế của các quốc gia tham dự tăng trưởng. Ví dụ như một nghiên cứu vào năm 2014, tình hình xuất khẩu của các quốc gia lọt vào vòng tứ kết có thể tăng trưởng mạnh mẽ và góp phần làm đa dạng hoá thương mại.
22h00 tối nay, Argentina và Pháp sẽ có màn so tài nảy lửa trong trận chung kết World Cup 2022. Hai quốc gia đều có một năm kinh tế “heo hút” và “ảm đạm”. Nhưng có thể ngay ngày mai, cán cân của cuộc so găng kinh tế này sẽ biến đổi khôn lường.