Sáng 4/7, tại Hội thảo "Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, tính đến 17h ngày 3/7 đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an nhằm loại bỏ những tài khoản giả mạo không chính chủ, được lập bằng giấy tờ giả.
"Con số này bằng cả 1 năm ngành ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng. 30 năm qua chúng ta mở được 170 triệu tài khoản, riêng trong hôm qua làm sạch được 16,6 triệu tài khoản. Ngân hàng nhiều nhất đã xác thực khoảng 2,6 triệu khách hàng", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, trong ngày đầu tiên Quyết định số 2345 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực (1/7), số lượng giao dịch tại các ngân hàng tăng từ 10-20 lần so với ngày bình thường, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao dịch tại một số ngân hàng. Tuy nhiên, sang ngày 2-3/7 thì các giao dịch cơ bản được thông suốt.
Phó Thống đốc cũng cho biết thêm, bình quân 1 ngày, trên hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng có khoảng 2 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng. Hiện 90% giao dịch ngân hàng hiện nay là trên không gian mạng. Do đó việc thu thập sinh trắc học khi mở tài khoản ngân hàng có vai trò làm sạch tài khoản ngân hàng, tránh được việc dùng giấy tờ giả để mở tài khoản ngân hàng hoặc mở tài khoản bằng giấy tờ thật nhưng người mở tài khoản không phải người trên giấy tờ đó.
Ông Dũng khẳng định, việc loại bỏ tài khoản ngân hàng không chính chủ là bước đầu tiên của Quyết định số 2345, góp phần giảm thiểu lừa đảo trên không gian mạng.
"Hệ thống ngân hàng liên kết với dữ liệu của Bộ Công an, khi mở tài khoản ngân hàng sẽ lấy dữ liệu từ Bộ Công an, so sánh khuôn mặt trực tiếp của người mở tài khoản với khuôn mặt lưu trữ trong căn cước công dân sẽ xác định được ngay người mở tài khoản có phải chính chủ hay không", Phó thống đốc giải thích thêm về quá trình xác thực sinh trắc học của các ngân hàng.
Về một số lỗi xuất hiện trong những ngày đầu áp dụng sinh trắc học, chẳng hạn xuất hiện tình trạng sử dụng ảnh tĩnh, công nghệ deepfake cũng có thể thực hiện chuyển tiền, Phó thống đốc cho biết do lượng truy cập tăng đột biến, một số ngân hàng tắt hệ thống xác thực này để đảm bảo giao dịch thông suốt trong những ngày đầu tăng đột biến.
Lãnh đạo NHNN cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, chú trọng khai thác thông tin căn cước công dân gắn chip và tài khoản VneID để định danh, xác thực chính xác thông tin khách hàng.
Ở góc độ ngân hàng, thông tin về việc thực hiện sinh trắc học, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV thông tin, trong ngày đầu tiên thực hiện sinh trắc học đúng là có việc người dân gặp trục trặc làm 5 lần chưa xong, nhưng sau đó hệ thống dần ổn định.
Bà Giao cho biết, BIDV có hơn 7.000 cán bộ ngân hàng liên tục hỗ trợ người dân 24/7 bằng nhiều hình thức. Tính đến đêm ngày 3/7, hơn 1,7 triệu xác thực thành công sinh trắc học, trong đó có 166.000 thu thập tại quầy.
Chia sẻ thêm, theo ông Nguyễn Danh Đức, Phó Tổng giám đốc SHB, các ngân hàng đều cố gắng dùng biện pháp kỹ thuật để chống lừa đảo, bảo vệ an toàn người dùng. Tuy nhiên, càng dùng biện pháp kỹ thuật gây khó khăn cho tội phạm thì cũng gây khó khăn trải nghiệm của người dân. Đây là bài toán khó cho ngân hàng vừa đảm bảo an ninh, vừa đảm bảo trải nghiệm tốt trong thanh toán cho khách hàng.
Trước đó, ngày 18/12/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, có hiệu lực từ 1/7/2024.
Theo quyết định, từ 1/7/2024, các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.
Dữ liệu từ NHNN cho biết, hiện nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 – 2023 đạt trên 100%/năm.