Trong báo cáo mới đây về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), MBS cho biết rằng kết quả kinh doanh Quý 2 của BIDV phù hợp với dự báo của MBS trước đó.
Theo đó, thu nhập lãi Quý 2 của BIDV tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Thu nhập ngoài lãi cũng tăng mạnh 45,2% so với cùng kỳ trong Quý 2 đến chủ yếu từ các nguồn: NFI tăng 15,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận tăng từ giao dịch ngoại hối và khoản lãi từ bán chứng khoán đầu tư.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng của BIDV trong Q2/2024 cũng đạt 5,9% so với 0,9% so với Q1. Tuy nhiên, theo MBS, con số này của BIDV thấp hơn trung bình ngành (7,6%).
Nguyên nhân của việc này theo MBS đến chủ yếu do nhu cầu yếu từ khách hàng doanh nghiệp SME. Cho vay SME giảm 3,3% so với đầu năm, trong khi cho vay doanh nghiệp và bán lẻ tăng lần lượt 9,3% và 8,2% so với đầu năm.
Dù vậy, trong năm 2024, MBS vẫn đưa ra đánh giá tăng trưởng tín dụng của BIDV sẽ đạt 14% so với cùng kỳ.
Theo MBS, BIDV có thế mạnh trong phân khúc KHDN nhiều năm. Các nhà phân tích kỳ vọng cho vay doanh nghiệp vẫn sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024.
MBS cũng dự báo, với nền tảng khách hàng bán lẻ lớn, BIDV sẽ đẩy mạnh cho vay bán lẻ trong năm 2025 nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao và thu nhập cá nhân phục hồi do sự hồi phục của nền kinh tế.
Các nhà phân tích của MBS cho rằng, dù NIM sẽ có thể cải thiện nhẹ trong nửa cuối 2024 và cả năm đạt 2,49% nhưng lãi suất cho vay khó có thể tăng mạnh vào nửa cuối năm do BIDV cần hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi bão lũ.
Về dự báo kết quả kinh doanh, với kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng, NIM và chất lượng tài sản cải thiện, MBS cho rằng, lợi nhuận ròng của BIDV trong 2024 – 2025 sẽ tăng 17% - 20%.
Trong đó, tổng thu nhập hoạt động của 2024 được dự báo tăng 8,2% so với cùng kỳ, giảm 3,2% so với dự báo trước đó.
Thu nhập ngoài lãi được giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng trước; còn tăng trưởng thu nhập lãi giảm 4,2% so với dự báo trước đó, xuống còn 8,9%.
Tuy nhiên, MBS cũng đưa ra cảnh báo một số rủi ro đối với BIDV như nhu cầu tín dụng có thể phục hồi chậm hơn dự kiến cũng như chi phí dự phòng cao hơn khiến nợ xấu gia tăng và thời gian giải quyết nợ xấu kéo dài.
BIDV là Ngân hàng TMCP có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Hiện tại BIDV có 2 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên là: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tỷ lệ sở hữu 80,99% và Keb Hana Bank với tỷ lệ 15%. Tổng cộng, 2 cổ đông này nắm giữ 95,99% cổ phần tại BIDV.