Nông nghiệp Nga vượt qua "cơn gió ngược"

Hiện Nga xuất khẩu nông sản tới 160 quốc gia và dẫn đầu thế giới về xuất khẩu lúa mỳ, đậu, lúa mạch, dầu lanh, cá đông lạnh.

120342-san-luong-xuat-khau-lua-mi-ky-luc-cua-nga-de-doa-nong-dan-my.jpg
Thu hoạch lúa mì tại vùng Stavropol, miền nam nước Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga vừa tổng kết tình hình nông nghiệp trong nước sau 10 năm thực thi lệnh cấm nhập khẩu hàng nông nghiệp từ các nước áp đặt trừng phạt liên quan đến việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea.

Đó là các nước Na Uy, Canada, Australia, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Albania, Montenegro, Iceland và Liechtenstein, Ukraine, Vương quốc Anh.

Theo đó, trong 10 năm từ 2014-2024, nền nông nghiệp Nga tăng trưởng 33,2%, riêng khu vực hàng thực phẩm tăng 42,9%, hiện Nga xuất khẩu nông sản tới 160 quốc gia và dẫn đầu thế giới về xuất khẩu lúa mỳ, đậu, lúa mạch, dầu lanh, cá đông lạnh.

Tăng sản lượng và áp dụng công nghệ tiên tiến là hai xu hướng chính của nền nông nghiệp Nga 10 năm qua. Bộ trưởng Nông nghiệp Oksana Lut cho biết hiện Nga là thị trường cạnh tranh và công nghệ cao bậc nhất thế giới trong nông nghiệp. Đồng thời, phát triển bền vững là đặc trưng của cả tổ hợp nông-công nghiệp nói chung và các ngành riêng lẻ.

Trong trồng trọt, sản lượng ngũ cốc thu hoạch trong thời kỳ này tăng từ 92,4 triệu tấn lên khoảng 150 triệu tấn, củ cải đường từ 39,3 triệu tấn lên 53,2 triệu tấn. Sản lượng hạt có dầu tăng nhiều nhất gấp 2,3 lần, từ 13,2 triệu tấn lên 29,9 triệu tấn. Và sản lượng thu hoạch khoai tây vào cuối năm 2023 đạt mức cao nhất trong 30 năm qua là 8,6 triệu tấn, gấp 1,6 lần so với mức 5,4 triệu tấn trong năm 2013.

Khối lượng sản xuất rau quả đã tăng 1,7 lần trong 10 năm và đạt kỷ lục 7,5 triệu tấn trong năm 2023, so với mức 4,5 triệu tấn năm 2013. Trong số này, 1,64 triệu tấn là rau trồng nhà kính, sản lượng tăng 2,6 lần kể từ năm 2013 (từ 0,64 triệu tấn). Bộ cho biết sản lượng trái cây và quả mọng đã tăng 2,8 lần, từ 0,7 triệu tấn lên mức kỷ lục 1,9 triệu tấn vào năm 2023.

Quảng cáo

Ngoài ra, Bộ cho biết, chăn nuôi cũng đạt kết quả tốt. Sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng 35,6% so với năm 2013, từ 12,2 triệu tấn lên 16,53 triệu tấn. Ngành đánh bắt cá cũng đang phát triển năng động. Hơn 10 năm, các doanh nghiệp đánh cá đã tăng sản lượng đánh bắt cá từ 4,3 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn.

Ngành công nghiệp thực phẩm cũng đang cho thấy sự tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực. Chẳng hạn như, sản lượng dầu thực vật tăng 2,5 lần, từ 3,9 triệu tấn lên 9,8 triệu tấn, sản phẩm thịt - tăng 84% (từ 5,3 triệu tấn lên 9,8 triệu tấn), mì ống - gần gấp rưỡi (từ 1,05 triệu tấn đến 1,5 triệu tấn). Sản lượng phô mai đã tăng gần gấp đôi - từ 435.000 tấn lên 801.000 tấn.

Theo báo cáo của Bộ, khả năng tự chủ về nhiều chỉ tiêu đã thay đổi mô hình phát triển của tổ hợp công-nông nghiệp từ thay thế nhập khẩu sang định hướng xuất khẩu. Năm 2013, Nga nhập khẩu lương thực nhiều gấp 2,5 lần so với xuất khẩu.

Từ năm 2020, Nga là nước xuất khẩu ròng thực phẩm, xuất khẩu vượt quá nhập khẩu và khoảng cách giữa các chỉ số ngày càng tăng hàng năm. Tính đến cuối năm 2023, nguồn cung ra thị trường nước ngoài cao hơn 24% so với lượng nhập từ nước ngoài.

Bộ Nông nghiệp Nga cho biết trong 10 năm, xuất khẩu nông sản trong nước đã tăng 2,6 lần và đạt 43,5 tỷ USD vào cuối năm 2023 so với 17,1 tỷ USD vào năm 2013. Ngày nay, Nga gửi thực phẩm tới hơn 160 quốc gia và là nước dẫn đầu thế giới về cung cấp lúa mỳ, đậu Hà Lan, lúa mạch, dầu lanh, cá đông lạnh và chiếm vị trí dẫn đầu về dầu hướng dương và một số sản phẩm khác.

Giá trị xuất khẩu trong năm 2023 đạt 43,5 tỷ USD, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc (7,6 tỷ USD), sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ (5 tỷ USD), Kazakhstan với 3,3 tỷ USD, Belarus với 2,8 tỷ USD, Ai Cập (2,5 tỷ USD).

Hơn 10 năm qua, Nga đã từ một nước nhập khẩu trở thành một trong những nước xuất khẩu chủ lực của thế giới, đứng thứ 17 trong danh sách các nước xuất khẩu và xét về quy mô xuất khẩu nông sản, đứng ngang hàng các quốc gia như Australia và Argentina.

Chuyên gia Tập đoàn xếp hạng doanh nghiệp AKRA Anton Trenin đánh giá, tăng an ninh lương thực giúp đạt được khả năng tự cung tự cấp hoàn toàn, đáng chú ý nhất là ngành công nghiệp thịt, trong 10 năm qua, khả năng tự cung cấp thịt của Nga đã đạt 100%, rau quả đạt gần 90%.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thị trường tại Trường Kinh tế Cao cấp Georgiy Ostapkovich lưu ý, việc các doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Liên bang Nga đã làm giảm sự cạnh tranh, ảnh hưởng đến giá cả và một phần đến chất lượng sản phẩm.

Theo bnews.vn Sao chép

Cùng chuyên mục Nông nghiệp

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ chạm đáy 17 tháng

Một đại lý có trụ sở tại New Delhi thuộc một công ty thương mại toàn cầu cho biết các nhà xuất khẩu trong tuần này đã điều chỉnh giá vì cân nhắc đến xu hướng suy giảm của đồng rupee.

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ ổn định gần mức thấp nhất trong 15 tháng Xuất khẩu gạo của Ấn Độ vượt 1 tỷ USD trong tháng 10 vừa qua

Chính phủ Nga thông báo gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo thêm sáu tháng

Theo thông báo, lệnh cấm của Nga không áp dụng đối với xuất khẩu gạo sang các nước thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu (gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan), vùng Nam Ossetia và Abkhazia.

Nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới tuyên bố động thái ‘bất ngờ’, Nga thêm áp lực giữa lệnh trừng phạt Giá dầu Nga vượt mức trần của phương Tây

“Không lo thiếu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp”

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn và đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ không lo thiếu. Nếu ngân hàng thương mại thiếu vốn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp tái cấp vốn hoặc có hình thức cụ thể để hỗ trợ nguồn lực.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kỷ lục mới, là gì vậy? Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “bơm” mạnh tiền vào hệ thống

Giá lúa mỳ tại Ấn Độ tăng cao kỷ lục do nhu cầu tăng mạnh

Các thương nhân Ấn Độ dự đoán giá lúa mỳ có thể còn tăng thêm vì lúa mỳ trong vụ mùa mới dự kiến sẽ không được đưa ra thị trường cho đến tháng 3 năm 2025.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của các nước khiến giá lúa, gạo tăng “thẳng đứng” Giá lúa gạo ở miền Tây tăng mạnh ngay sau Tết Nguyên Đán là “sốt ảo” hay nhu cầu thật?