Quy định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể gây ảnh hưởng lên khắp thị trường gạo toàn cầu, hàng triệu người dự kiến sẽ bị ảnh hưởng, nhiều người tiêu dùng châu Á và châu Phi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, theo nội dung bài báo mới được CNBC đăng tải.
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã cấm xuất khẩu gạo tẻ thường từ ngày 20/7/2023 khi mà chính phủ các nước cố gắng kiềm chế giá thực phẩm tăng nóng nhằm đảm bảo giá nội địa ở mức phù hợp.
Ấn Độ cung cấp khoảng 40% gạo trong thương mại toàn cầu.
“Malaysia dường như là nước dễ chịu tổn thương nhất, theo phân tích của chúng tôi”, Barclays nhấn mạnh trong nghiên cứu mới đây bởi xét đến mức độ phụ thuộc của Malaysia vào gạo tẻ thường của Ấn Độ.
Malaysia nhập khẩu lượng lớn vào từ Ấn Độ và Ấn Độ cũng chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Malaysia.
Singapore nhiều khả năng cũng chịu ảnh hưởng, báo cáo mới công bố cho thấy Ấn Độ chiếm khoảng 30% trong tổng gạo nhập khẩu vào Singapore.
Tuy nhiên, ngân hàng Barclays đặc biệt quan tâm đến việc Singapore phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thực phẩm nói chung chứ không chỉ gạo. Singapore hiện đang cố gắng để Ấn Độ chấp thuận cho ngoại lệ trong quy định cấm của nước này.
Giá gạo hiện đang giao dịch trong ngưỡng cao nhất trong nhiều thập kỷ, El Nino hiện đang tạo ra nhiều rủi ro lên sản xuất gạo toàn cầu, đặc biệt tại nhiều nước châu Á ví như Thái Lan, Pakistan và Việt Nam.
Ngân hàng Barclays nhấn mạnh Philippines cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi giá gạo toàn cầu tăng quá nóng bởi xét đến tỷ trọng gạo rất cao trong giỏ hàng hóa tính CPI của nước này. Tuy nhiên, Philippines lại nhập rất nhiều gạo từ Việt Nam.
Châu Á không phải khu vực duy nhất chịu ảnh hưởng bởi quy định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nhiều nước châu Phi và Trung Đông cũng chịu tác động nặng nề, theo phân tích của Fitch Solutions.
Tháng 10/2007, Ấn Độ áp dụng quy định cấm xuất khẩu gạo tẻ thường và rồi sau đó lại gỡ bỏ vào tháng 4/2008 bởi quy định khiến cho giá gạo tăng đột biến đến 30%.
Tiếp theo sau đó, giá gạo tăng đến 3 lần trong khoảng thời gian 6 tháng, theo công ty nghiên cứu về nông nghiệp CIP.
Theo phân tích của giám đốc khu vực tại CIP, ông Samarendu Mohanty, Ấn Độ ở thời điểm trước đây không phải nước có vị thế lớn trong mảng thương mại gạo tẻ thường, quy định cấm hiện tại có nhiều hậu quả tệ hại hơn so với 16 năm trước đây.
Ông nói thêm rằng quy mô tác động của quy định cấm lần này sẽ tùy thuộc vào việc các nhà nhập khẩu và xuất khẩu gạo phản ứng như thế nào.
Nếu bất kỳ nước xuất khẩu gạo nào như Việt Nam hay Campuchia áp dụng quy định cấm xuất khẩu của riêng họ, nhiều nhà nhập khẩu lớn như Indonesia hay Malaysia gặp khó trong việc gom đủ gạo, chắc chắn thế giới sẽ đương đầu với nhiều khó khăn trên thị trường gạo, ông Mohanty nhận định. Ông cho rằng hậu quả thậm chí có thể tệ hại hơn so với thời kỳ năm 2007.
“Sẽ có đến hàng triệu người chịu tác động từ quy định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, đặc biệt những người tiêu dùng nghèo tại các nước láng giềng của Ấn Độ, đặc biệt Bangladesh và Nepal sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”, ông Moharity nói.
Bản thân chính Ấn Độ cũng đang chật vật với giá rau, hoa quả và ngũ cốc tăng cao, vấn đề khó giải quyết này sẽ có thể gây tổn hại đến cuộc bầu cử mà sắp tới Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham gia.
Động thái cấm xuất khẩu một số loại gạo của Ấn Độ đã tạo ra làn sóng mua trong hoảng sợ tại nhiều quốc gia. Nhiều đoạn video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy người dân và doanh nghiệp đổ xô đi mua gạo, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Tại nhiều nước, từ Mỹ cho đến Canada hay Australia, thông tin về việc người dân và doanh nghiệp nghiệp chạy đua mua gom gạo đã thu hút sự quan tâm.
Nhiều cửa hàng phải áp quy định hạn chế khối lượng mua, nhiều cửa hàng tăng giá để có thể tranh thủ kiếm lời. Nhiều nhà hàng Ấn Độ trên khắp thế giới trong khi đó lo sợ về khả năng thiếu gạo sẽ ảnh hưởng đến doanh thu.
Gạo là loại thực phẩm vô cùng quan trọng với hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi. Các biện pháp hạn chế của Ấn Độ, vốn được áp dụng với gạo tẻ thường, được tính đến để kiểm soát giá cả, thế nhưng cũng gây ra căng thẳng lên thị trường thực phẩm toàn cầu vốn trước đó đã đương đầu với nhiều khó khăn bởi thời tiết xấu và xung đột căng thẳng tại Ukraine.
“Trong khoảng vài ngày qua, nhiều người bắt đầu mua lượng gạo nhiều gấp đôi so với bình thường, chính vì vậy chúng tôi phải có động thái hạn chế”, quản lý tại cửa hàng MGM Spices tại Australia – ông Shishir Shaima chia sẻ.
Hiện tại, cửa hàng chỉ cho phép mỗi khách hàng mua túi gạo ước tính khoảng 5 kilogram mỗi người, thậm chí đã có những khách hàng nổi cáu khi không được cho phép mua thêm thế nhưng đại diện cửa hàng cho biết họ phải đảm bảo quyền lợi cho mọi đối tượng khách hàng.