Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây đã cảnh báo về những hậu quả nếu trần nợ Mỹ không được điều chỉnh tăng. Theo bà Yellen, kinh tế Mỹ có thể đương đầu với kịch bản suy giảm, hàng triệu người thất nghiệp và khả năng thị trường chứng khoán có thể sụt giảm đến 45%.
“Theo đánh giá của tôi và nhiều chuyên gia kinh tế, việc Mỹ vỡ nợ sẽ gây ra nhiều hậu quả kinh tế và tài chính. Việc Mỹ vỡ nợ sẽ gây tổn hại đến nhiều nền tảng căn bản nhất trong hệ thống tài chính”, bà Yellen nói trong cuộc họp của ngành ngân hàng Mỹ mới đây.
Thậm chí bà Yellen cảnh báo khả năng Mỹ vỡ nợ có thể gây ra quá trình suy giảm kinh tế tồi tệ như thời kỳ Đại Suy thoái.
“Mức độ suy giảm kinh tế có thể tồi tệ như thời kỳ Đại Suy thoái. Có thể sẽ có đến hơn 8 triệu người Mỹ thất nghiệp. Niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng chịu ảnh hưởng nặng nề. Định giá của thị trường chứng khoán giảm đến khoảng 45%, nó lấy đi thành quả của rất nhiều năm tiết kiệm của người dân và gia đình”, bà Yellen phân tích.
Cũng theo bà Yellen, thời hạn ngày 1/6/2023 là thời điểm mà Bộ Tài chính Mỹ nhiều khả năng sẽ hết tiền. Bà cảnh báo nước Mỹ sẽ phải trả giá đắt cho việc không chịu nâng trần nợ công.
Trong thư gửi Quốc hội Mỹ vào ngày thứ Hai, bà Yellen nói: “Chúng ta đang chứng kiến chi phí lãi vay của Bộ Tài chính Mỹ tăng lên với các khoản chứng khoán đáo hạn vào đầu tháng 6/2023”.
Hiện tại, các cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy chưa có nhiều diễn biến tích cực. Ông McCarthy nói: “Chúng ta vẫn chưa thể đi đến kết luận”.
Các chính trị gia Đảng Cộng hòa sẵn sàng nâng trần nợ tuy nhiên chỉ với điều kiện chính phủ Mỹ phải cắt giảm mạnh chi tiêu, điều mà chính trị gia Đảng Dân chủ phản đối.
Hiện tại, thị trường kim loại quý đang chờ đợi những động lực mới. Vào ngày thứ Ba, thông tin liên quan đến sự chững lại của kinh tế Trung Quốc không khỏi gây tổn hại đến kỳ vọng nhu cầu vàng. Ngoài ra, chỉ số đồng USD tăng mạnh, nhu cầu dầu thấp gây ra nhiều áp lực lên vàng.
“Giá vàng đang giảm đi khi mà phố Wall chờ đợi những thông tin cập nhật về vấn đề trần nợ. Hiện đang có quá nhiều rủi ro với nhà đầu tư. Tâm lý ngại rủi ro sẽ có thể tăng lên khi có quá nhiều nỗi sợ trong ngành ngân hàng, trần nợ và niềm tin người tiêu dùng đi xuống”, chuyên gia phân tích tại quỹ OANDA – ông Edward Moya phân tích.
Bất chấp phiên giảm gần nhất, hiện đang có những dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư tìm đến vàng nhiều hơn để phòng ngừa cho khả năng vỡ nợ, theo khảo sát mới nhất của Markets Live Pulse.
Vàng là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư, kết quả cuộc khảo sát mới đây cho thấy hơn một nửa những nhà đầu tư trả lời khảo sát lựa chọn vàng làm công cụ đầu tư trong bối cảnh rối loạn liên quan đến trần nợ Mỹ. Còn nếu tính cả các lựa chọn khác, kể cả trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ cũng không được nhà đầu tư chọn nhiều như vậy.
Còn theo kết quả khảo sát của Gallip, tỷ lệ người Mỹ coi vàng như công cụ đầu tư dài hạn tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá vàng rơi xuống dưới ngưỡng 2.000USD/ounce sau khi số liệu kinh tế Mỹ và những tuyên bố cứng rắn từ các quan chức thuộc Fed khiến nhiều người tin rằng việc hạ lãi suất có thể bị trì hoãn, cùng lúc đó nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ các cuộc đối thoại liên quan đến vấn đề trần nợ Mỹ.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá vàng giao ngay hạ 1,47% xuống 1.990,89USD/ounce trên thị trường New York. Giá vàng giao hợp đồng tương lai hạ 1,38% xuống 1.994,7USD/ounce.